Đặc sản bún cua thối của phố núi Pleiku hấp dẫn cả những vị khách sang trọng
Một quán bún cua thối ở TP Pleiku (Gia Lai) |
Theo đó, bún mắm cua hay còn gọi là bún cua thối, bún mắm cua là đặc sản của phố núi Pleiku (Gia Lai), Sở dĩ người dân gọi là bún cua thối bởi cái mùi đặc trưng của món ăn này.
Với giá chỉ 10.000 đồng/ tô nếu có trứng là 12.000 đồng/tô nhưng món bún cua thối này lại rất hấp dẫn với những vị khách sang trọng. Còn khách địa phương thì không nói đến nữa. Hầu như đến Gia Lai mùa nào cũng bắt gặp những thực khách phương xa đang thưởng thức món ăn khá đặc biệt này.
Để có được nồi nước dùng phải ủ 1 ngày 1 đêm |
Một trong những chủ quán có thâm niên với nghề bán bún cua thối là cô Châu Thị Chi (53 tuổi, trú tại đường Phùng Hưng). Cô Chi hiện là chủ quán “bún cua Chi”, số 2 đường Phùng Hưng). Vừa rưới nước dùng lên tô bún cua cho khách, cô Chi vừa chia sẻ: “Quán bún cua này được mở từ năm 1998, lúc trước tôi bán ở vỉa hè. Mãi sau này mới có được không gian thoải mái cho thực khách ngồi ăn.
Món ăn này tôi học được từ phía gia đình chồng. Trước đây, tôi cũng không tài nào ăn được món này nhưng sau khi ăn thì bị nghiền luôn đến bây giờ. Nguyên liệu của món ăn này khá đơn giản chỉ cần cua, bún, tóp mỡ và hành khô. Tuy nhiên, để có được món nước dùng màu đen đục và mùi thum thủm đặc trưng để chan vào bún thì không đơn giản đâu”.
Đặc sản này chỉ có giá từ 10.000 - 12.000 đồng |
Được biết, cua đồng để làm món bún cua thối phải được bắt ở đồng Phú Thọ (tức Đồng Xanh, xã An Phú, TP Pleiku) mới ngon, còn cua ở nơi khác nấu lên mùi không thơm.
“Cách chế biến món ăn nay khá đơn giản nhưng phải căn đủ thời gian. Cua đồng tươi sau khi mua về phải rửa sạch bỏ phần mai, lấy phần thân giã hoặc xay nhuyễn đem lọc lấy nước. Nước cua tươi được ủ khoảng một ngày đêm để lên men cho đến khi chuyển màu đen và bốc ra mùi nồng thum thủm thì đem ra chế biến. Sau khi có được nồi nước dùng, mình bắt đầu dùng măng tươi thái mỏng cho vào nồi nước cua sôi trên bếp lửa liu riu. Đun càng lâu, măng càng tiết ra nhiều vị ngọt khiến nồi bún cua thối càng ngon”, cô Chi chia sẻ.
Bún cua thối là đặc sản của phố núi Pleiku, Gia Lai |
Theo cô Chi, quan trọng nhất là khâu ủ nước cua phải ủ đủ, đúng thời gian, nếu mùi nặng quá cũng không ngon mà ít mùi cũng không ngon. Còn về trứng vịt, sau khi luộc chín, thì bỏ vào nồi nước dùng. Thành phần trong tô bún cua thối ngoài nước cua, măng tươi, trứng vịt còn có tóp mỡ rang cháy tỏi, bánh phồng tôm giòn rụm và hành phi dầu đậu nành.
Để ăn kèm với món bún cua thối không thể không có món rau sống, nem, chả, chanh, ớt tươi. Đặc biệt để hạn chế mùi tanh và tăng vị nồng không thể thiếu mắm nêm và ớt băm xào. Sau khi cho bún vào tô, chủ quán rưới một muôi nước dùng màu đen, trong đó có cả trứng và măng rồi cho thêm tóp mỡ và hành khô.
Quán của cô Chi được dọn bán từ 11h trưa đến 7h tối, tuy nhiên nhiều hôm hết sạch từ 5-6h. Khách hàng chủ yếu của quán là người Gia Lai và khách du lịch từ các thành phố lớn như Đà Nẵng, Sài Gòn… Trung bình một ngày, cô Chi bán khoảng 1.000 tô với khoảng 20kg cua tươi lên men. Mỗi tô như vậy sẽ có giá khoảng 10.000 đồng, còn thêm trứng thì 12.000 đồng.
Rất nhiều vị khách phương xa đã bị cuốn hút bởi món ăn lạ miệng này |
Chị Đỗ Hằng (một thực khách nghiện món bún cua thối) cho biết: “Mình sinh ra và lớn lên ở TP Pleiku. Trước đây, mình cũng không thể ăn nổi món ăn này nhưng sau khi thử ăn thì bị nghiền luôn. Mùi thum thủm của nước dùng hòa vào vị mặn mà của mắm, vị ngọt từ măng, vị cay cay của ớt, độ giòn của tóp mỡ, hành phi và sự thanh mát của rau, chanh khiến món ăn này càng trở nên hấp dẫn. Hầu hết tuần nào mình cũng thưởng thức món ăn này từ 3-4 lần”.
Bên cạnh quán của cô Chi, ở TP Pleiku có rất nhiều địa chỉ thưởng thức món ăn này như chợ đêm, chợ nhỏ, đường Phù Đổng…