Đại học Kinh tế Đà Nẵng hướng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học (Ảnh Út Vũ) |
Mặc dù đại dịch bệnh COVID vừa qua đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt trong công tác tuyển sinh, tuy nhiên với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Đại học (ĐH) Đà Nẵng, Ban Giám hiệu nhà trường hoạt động tuyển sinh của trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng năm 2022 đã đạt được mục tiêu đề ra.
Thầy và trò cùng vượt khó
Theo đó, trong năm 2022 nhà trường đã xây dựng đề án tuyển sinh với nhiều phương thức linh hoạt, tổ chức các hoat động tư vấn tuyển sinh đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức, kết quả trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng tuyển sinh 3.225 sinh viên ĐH chính quy, đạt điểm trúng tuyển cao nhất trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đồng thời, thực hiện chuyển đổi hình thức giảng dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện để sinh viên trở lại học tập khi dịch bệnh được kiểm soát. Công tác khảo thí linh hoạt với các hình thức kiểm tra đánh giá, kết hợp hiệu quả, phù hợp giữa thi tự luận, vấn đáp trực tuyến, trực tiếp với thi trắc nghiệm, tự luận qua hệ thống E-learning…
Trong năm học qua, nhiều chuyên ngành đào tạo mới cũng được mở để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động như: Đề án mở ngành Công nghệ tài chính (Fintech) và Đề án đào tạo 100% tiếng Anh chuyên ngành Kinh doanh quốc tế và thực hiện tuyển sinh thành công khóa đầu tiên năm 2022, kiểm định thành công chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2 theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT các lĩnh vực đều đạt mức cao.
PGS.TS. Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng (thứ 3 trái qua) thừa ủy quyền trao Cờ thi đua cấp Bộ và Tập thể lao động xuất sắc cho trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng (Ảnh Út Vũ) |
PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng nhấn mạnh, “Trải qua 40 năm, ngày 20/11 là ngày hội lớn không chỉ của ngành giáo dục, của thầy giáo, cô giáo và các em sinh viên mà còn là ngày hội của trái tim, của truyền thống hiếu học, của tôn sư trọng đạo, giáo dục và đào tạo luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, cộng đồng, dân tộc và cả nhân loại”.
Cũng nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng vừa tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học...
Điểm qua những thành tích của nhà trường đạt được trong năm qua, trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng được đánh giá là Tập thể lao động xuất sắc năm học 2021-2022, 3 giảng viên nhận được Giải khuyến khích Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ cấp Bộ, Bằng khen của UBND thành phố Đà Nẵng, 26 bài báo quốc tế được khen thưởng bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của Đại học Đà Nẵng năm 2021, 1 Giải Nhì Giải thưởng KHCN dành cho sinh viên cơ sở giáo dục ĐH năm 2021 (Khoa KDQT)…
Nhà trường vinh danh 1 cá nhân được Huân chương Lao động hạng 3, các cá nhân và tập thể được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị được Cờ thi đua cấp Bộ và Tập thể lao động xuất sắc, kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, Bằng khen cấp Bộ vì quá trình cống hiến, chúc mừng 12 tân tiến sĩ về công tác tại trường và trao giấy khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học.
PGS.TS. Lê Thành Bắc thừa ủy quyền trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho tập thể lao động xuất sắc (Ảnh Út Vũ) |
Tạo đột phá, đổi mới trong giáo dục đại học
Được biết, năm 2022 ĐH Kinh tế Đà Nẵng triển khai 6 đề tài cấp NN (Nafosted), 3 đề tài cấp Bộ, 5 đề tài cấp Tỉnh, 31 đề tài ĐH Đà Nẵng và 14 đề tài cấp cơ sở; số lượng công bố quốc tế của Trường gia tăng với 57 bài ISI/Scopus, tổ chức 5 Hội thảo quốc tế, 2 Hội thảo quốc gia.
Trước bối cảnh mới phát triển giáo dục đại học, trường ĐH Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã ban hành chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó chiến lược bộ phận gồm: Chiến lược về đào tạo, Chiến lược về phát triển khoa học và hợp tác quốc tế; Chiến lược phát triển nguồn nhân lực; Chiến lược xây dựng cơ sở vật chất; Chiến lược công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; Chiến lược hợp tác và hỗ trợ cộng đồng…
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, đổi mới giáo dục cần nhạy bén trong việc mở ngành nghề đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học trên tinh thần khởi nghiệp; gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là người bạn đồng hành đồng thời là đích đến trong việc đào tạo của nhà trường.
Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm định hướng nghề nghiệp, hội thảo khoa học nâng cao chất lượng dạy và học (Ảnh Út Vũ) |
Bên cạnh đó, triết lý đào tạo ngày nay là sinh viên học tập không chỉ để ra trường tìm việc cho bản thân mà học với tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo để ra trường không những tìm việc làm cho mình mà trở thành ông chủ tạo việc làm cho người khác; các chính sách hợp lý khuyến khích công bố quốc tế; khuyến khích giảng viên, nhà khoa học tham gia “hiến kế”, xây dựng và phản biện các đề án, các chính sách phát triển KT-XH của địa phương.
Trước vận hội mới, ngành giáo dục đại học phải phát triển đột phá, chuyển biến mạnh hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân để lập nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
PGS.TS. Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, tin tưởng rằng với bề dày truyền thống của mình, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục đạt những thành tựu to lớn hơn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo… góp phần tích cực vào sự phát triển chung của giáo dục đại học nước nhà.