"Dải lụa" Vành đai TP Tân An sau hơn 7 tháng thông xe
Long An: Đạt đô thị loại 2, bất động sản TP Tân An “cất cánh” Đẩy nhanh tiến độ "siêu dự án" Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh thi công vượt tiến độ |
Dự án đường Vành đai TP Tân An là một trong những công trình trọng điểm theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X và XI. Đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Tân An và các địa phương lân cận.
Việc sớm đầu tư xây dựng công trình hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, các khu dân cư, thương mại dịch vụ của thành phố Tân An nói riêng và tỉnh Long An nói chung.
Đường Vành đai TP Tân An là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Long An. (Ảnh: Kiên Định) |
Chia sẻ với báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Võ Hồng Thảo, Chủ tịch UBND TP Tân An cho biết: “Tân An là địa phương hưởng lợi trực tiếp từ công trình này, sau khi chính thức thông xe ngày 23/12/2023, tổng quan diện mạo thành phố Tân An đã có nhiều thay đổi và phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Dự án đóng góp vào sự phát triển đô thị chung của thành phố và các địa phương lân cận; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển, lưu thông hàng hóa, vận chuyển hành khách; đồng thời, giảm thiểu tai nạn giao thông khi các xe có tải trọng lớn đi vào thành phố như trước đây”.
Theo Chủ tịch TP Tân An, để phát huy hiệu quả đầu tư, thành phố đang tập trung xây dựng và triển khai phương án khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường vành đai theo quy hoạch phân khu chức năng đảm bảo đúng định hướng, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và thành phố; góp phần nâng cao các chất lượng hoạt động thương mại - dịch vụ, các khu đô thị mới đưa thành phố phát triển hơn, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị loai I trước năm 2030 theo định hướng đã đề ra.
Đường Vành đai TP Tân An có chiều dài khoảng 23km, mặt đường rộng 33m (bao gồm mặt đường và hành lang), xây mới 5 cầu, qua địa bàn huyện Thủ Thừa và TP Tân An.
Điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa), điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 1 - Đường tỉnh 833, TP Tân An. Quy mô xây dựng 4 - 6 làn xe, hệ thống cầu trên tuyến, hệ thống cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng... được chia thành 9 gói thầu thi công.
Tổng mức đầu tư của các dự án thành phần hơn 3.100 tỉ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng hơn 1.660 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.440 tỉ đồng.
Sau 7 tháng thông xe, tuyến đường có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội tỉnh Long An (Ảnh: Huỳnh Du) |
Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, sau 7 tháng thông xe, tuyến đường đã có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội tỉnh Long An. Về kinh tế, đường Vành đai TP Tân An đã tạo trục giao thông liên hoàn, xuyên suốt; Giải quyết được nhu cầu của xã hội về phát triển vùng ven, tạo cân bằng trong quá trình đô thị hóa giữa thành thị và nông thôn.
Vành đai TP Tân An cũng phát huy được các thế mạnh tiềm năng; huy động được các nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng; khai thác hiệu quả quỹ đất công dọc hai bên đường góp phần quan trọng trong cân đối, tính toán hiệu quả của quá trình đầu tư.
Về mặt xã hội, đại diện lãnh đạo, các sở, các ban ngành đã ra sức quan tâm và thực hiện được chiến lược phát triển đô thị TP Tân An theo hướng lan tỏa có kiểm soát và phân vùng; thực hiện chỉnh trang, quy hoạch bố trí các cụm dân cư, đô thị đúng theo quy hoạch.
Đường Vành đai TP Tân An cũng đã góp phần giúp chính quyền tỉnh Long An giải quyết tốt các vấn đề về an ninh, trật tự an toàn giao thông; giảm bớt áp lực giao thông trên tuyến QL1A, chuyển hướng lưu thông vận tải ra các vùng ven ngoại thành. Đồng thời, tạo thành trục đô thị kết nối liền lạc giữa các phân vùng (Châu Thành - Tân An - Thủ Thừa, Châu Thành - Tân An -Tân Trụ); thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng và khu vực.