Đắk Lắk: Khai mạc diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin
Đồng chí Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi khai mạc (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Tham dự khai mạc, có các đồng chí đại diện lãnh đạo Cục Chuyển đổi số, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông; UBND tỉnh Đắk Lắk; Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA phía Nam); Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC); Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự diễn tập (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Phát biểu tại khai mạc, đồng chí Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Hiện nay, trong xu thế chuyển đổi số đã gần qua giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử dần bước vào giai đoạn chính của quá trình chuyển đổi số; Kiện toàn và hoàn thiện các nền tảng công nghệ để có thể dùng chung và tạo ra những phương tiện, công cụ mới phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của mọi quốc gia.
Trong hội nhập, chúng ta phải xây dựng văn hóa bản sắc truyền thống tốt đẹp, nhân văn, phát triển để tránh các nguy cơ xâm lăng văn hóa; Đồng thời phát huy lan tỏa giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, xây dựng một Việt Nam luôn là người bạn chân thành, là đối tác tin cậy của các bạn bè quốc tế năm châu.
Quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta có nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức hơn để bảo toàn và phát huy những giá trị về trí tuệ con người Việt Nam.
Do vậy, bảo đảm an toàn thông tin sẽ là nền tảng trong quá trình chuyển đổi số trong quá trình kết nối ngày càng sâu, rộng hơn với môi trường quốc tế rộng lớn”.
Đông đảo khách mời tham dự diễn tập (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Từ Chỉ thị số 60/CT-BTTTT ngày 16/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra yêu cầu cao hơn rất nhiều về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin, diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng của quốc gia và các địa phương.
Diễn tập thực chiến phải gắn hoạt động diễn tập vào chính hệ thống mà đội ứng cứu sự cố có trách nhiệm bảo vệ, qua đó kinh nghiệm xử lý sự cố của đội ứng cứu sự cố đối với các hệ thống đang vận hành càng được nâng cao.
Diễn tập chuyển diễn tập từ trạng thái “tĩnh” sang “động” thay vì có kịch bản trước; Giới hạn trong thời gian ngắn thì không cần kịch bản; Thành viên tham gia có thể phát huy các kĩ năng tấn công và đưa đội ứng cứu vào trạng thái luôn thường trực, sẵn sàng xử lý sự cố, như cuộc tấn công trong thực tế.
Bên cạnh đó, diễn tập chuyển từ “ít” sang “nhiều”, từ diễn tập sự vụ sang các đợt kéo dài, diễn ra càng thường xuyên thì khả năng phòng thủ, ứng cứu lại càng được cải thiện, rủi ro càng được giảm thiểu. Đồng thời, diễn tập mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia. Qua đó, các đơn vị, lực lược càng có nhiều cơ hội phát hiện điểm yếu, lỗ hỏng đang tồn tại trong công nghệ, quy trình, con người để kịp thời xử lý.
Theo số liệu ghi nhận của Cục An toàn thông tin, tháng 8/2023 xảy ra 1.402 cuộc tấn công mạng, tăng 67,7% so với tháng 7/2023, tăng 54,6% so với cùng kỳ tháng 8/2022. Tấn công mạng 8 tháng đầu năm 2023 là 78.600 cuộc, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Các đại biểu tham quan bên lề buổi khai mạc (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Bên cạnh đó, đợt diễn tập lần này đã phát hiện tổng số lỗ hổng bảo mật lên tới 280. Trong đó, 202 lỗ hổng có mức ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lỗ hổng nghiêm trọng được phát hiện trong đợt diễn tập lần này nhiều gấp đôi số lỗ hổng nghiêm trọng của các đợt diễn tập thực chiến trong năm 2022 cộng lại.