Đắk Nông có 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn
Lễ khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Đắk Nông tháng 11/2022 |
Được biết, đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Đắk Nông tổ chức sự kiện này nhằm hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia; rà soát, đánh giá, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số tỉnh; thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, hội thảo nhằm tiếp tục tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Theo báo cáo của tỉnh Đắk Nông, đến nay, 71/71 xã, phường, thị trấn được kết nối cáp quang đến trung tâm. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động theo công nghệ 4G (đạt 99%); 585/624 thôn, bon, buôn, tổ dân phố được kết nối băng rộng cố định (đạt tỷ lệ 93,8%).
Bên cạnh đó, 100% cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có chuyên trách hoặc giao phụ trách; 80% cơ quan cấp xã giao thực hiện kiêm nhiệm về chuyển đổi số, an toàn thông tin. Toàn tỉnh có 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn với hơn 4.000 thành viên.
Theo báo cáo tại hội thảo, trong 2 năm (2022-2023), ngoài những hội nghị tuyên truyền được tổ chức tại các Sở, ngành, địa phương, tỉnh đã tổ chức 6 hội thảo, hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số, tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số có quy mô trên toàn tỉnh; 10 hội nghị phổ cập kỹ năng số cho tổ công nghệ số cộng đồng, lãnh đạo cấp xã với hơn 4.000 người tham gia.
Đặc biệt, tỉnh Đắk Nông đã chính thức khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC) từ tháng 11/2022. Đến nay, IOC đã giám sát, điều hành với lĩnh vực để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh.
Cùng với đó, ứng dụng "DAKNONG-C" đã hỗ trợ người dân có kênh giao tiếp chính thức với cơ quan chính quyền trên môi trường số với hơn 13.000 lượt cài đặt.
Đối với ngành Y tế, 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; cung cấp nhiều phương thức hỗ trợ người dân trong việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.
Đối với ngành Giáo dục, toàn tỉnh có 207/233 cơ sở giáo dục, trường học (thống kê từ cấp tiểu học trở lên) triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (đạt tỷ lệ 88,9%), các cơ sở giáo dục phối hợp với hệ thống chi nhánh các ngân hàng triển khai thực hiện quét mã code để thực hiện thanh toán học phí hoặc chuyển khoản vào tài khoản của trường.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, công tác chuyển đổi số nói chung và phát triển dữ liệu số nói riêng luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt được một số kết quả quan trọng.
Trong đó, tỉnh đã hình thành được nền tảng phục vụ phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số các cấp, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ người dân trên toàn địa bàn.
Những kết quả đạt được trên lĩnh vực chuyển đổi số sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản lý Nhà nước và cải cách hành chính, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, khó khăn trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Đắk Nông hiện nay là việc phát triển các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, làm giàu dữ liệu, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Mặc dù các ngành, các đơn vị đã tích cực triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước nhưng việc đồng bộ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu để hình thành danh mục dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành còn hạn chế.