Đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội bền vững cho người lao động
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hôi Đào Ngọc Dung tại Lễ ký Chương trình phối hợp Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hôi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến phức tạp, kéo dài đã gây ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người lao động, Nhân dân.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn; Thực hiện các biện pháp để không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, phục hồi nhanh và ổn định thị trường lao động.
Do gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần |
Trong nỗ lực chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có rất nhiều cuộc họp để tìm giải pháp, trong đó có cảnh báo, đưa ra các biện pháp để các doanh nghiệp nếu không trả lương được cho người lao động thì tối thiểu phải duy trì việc tham gia BHXH cho người lao động. Vì đây là cách để giữ chân, chia sẻ khó khăn hữu hiệu với người lao động, giúp phục hồi chuỗi sản xuất nhanh chóng sau dịch.
Tuy nhiên, hiện nay, dù đã có những chính sách hỗ trợ tích cực, cuộc sống của nhiều người dân, người lao động vẫn còn khó khăn. Bên cạnh đó, do nhu cầu trang trải cuộc sống trước mắt, do lôi kéo của một số đối tượng trục lợi chính sách; Thêm tác động của việc sửa đổi chính sách nhưng công tác truyền thông, phổ biến chưa đầy đủ đến người dân, người lao động dẫn đến một bộ phận người lao động đã chuyển sang hưởng BHXH một lần. Đây là một hệ luỵ rất lớn cho người lao động và hệ thống an sinh xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, qua Chương trình phối hợp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hôi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ của mình góp phần phục hồi kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động.
Hiện Chính phủ, các Bộ ngành đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội bền vững cho người lao động |
Các cơ quan thống nhất tầm nhìn dài hạn, hành động mau lẹ và bắt đầu từ những công việc cụ thể. Nguyên tắc đảm bảo đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống người lao động; Từ đó người lao động cũng sẽ chăm lo, đồng hành, phát triển doanh nghiệp.
Trước mắt các cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014; Nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi Luật BHXH theo tinh thần cải cách của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; Tiếp tục tổng kết đánh giá Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội khóa XIII về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động…
Đồng thời đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông về chính sách BHXH, để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, tuyên truyền về lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, giảm tình trạng hưởng BHXH một lần; Tăng cường các hình thức truyền thông mới, truyền thông trên môi trường mạng xã hội…
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng, trục lợi chính sách; Lợi dụng lúc người lao động khó khăn để dụ dỗ, lôi kéo mua bán BHXH. BHXH không phải là hàng hoá mà là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước vì quyền lợi của người dân, người lao động.