Đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng
Hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn
Từ lâu, tai nạn lao động trong quá trình thi công công trình đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với các dự án xây dựng. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều công trình, không khó để bắt gặp hình ảnh công nhân sử dụng trang bị thiết bị bảo hộ lao động không phù hợp.
Anh Trần Đức Anh, công nhân tại một công trình xây dựng dân sinh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi và những công nhân ở đây rất ít khi sử dụng thiết bị bảo hộ lao động như mũ, áo… vì cho rằng đây là công trình nhỏ, ít nguy hiểm. Chưa kể mặc áo, đội mũ làm việc trong những ngày nắng nóng sẽ rất khó chịu, ảnh hưởng công việc. Nhà thầu cũng chẳng mấy khi nhắc nhở cho nên chúng tôi cứ mặc bình thường cho thoải mái”.
Chính vì sự thiếu trách nhiệm của nhà thầu, sự chủ quan của người lao động đã dẫn đến hệ quả nhiều người gặp tai nạn lao động bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Tai nạn lao động trong quá trình thi công công trình đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với các dự án xây dựng. Ảnh minh hoạ |
Cũng không hiếm những chấn thương do công nhân đi lại bất cẩn bị vấp, ngã hoặc mang vác vật nặng trong một thời gian dài khiến cột sống, xương khớp bị ảnh hưởng. Nguyên nhân các vụ tai nạn đến từ nhiều phía. Nhiều nhà thầu, người sử dụng lao động không chú trọng huấn luyện an toàn lao động cho công nhân, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và đầu tư trang thiết bị không bảo đảm an toàn lao động. Ngoài ra, tại một số công trình, người lao động cũng thiếu ý thức, vi phạm quy trình an toàn lao động. Nhiều người thậm chí không muốn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình thi công có thể gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động và tiến độ của Dự án, đơn vị nhà thầu đã luôn quan tâm, chú trọng, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn lao động. Anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ giám sát an toàn tại một công trường dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết: “Công việc giám sát an toàn của chúng tôi là thường xuyên giám sát, kiểm tra khu vực có nguy cơ mất an toàn thực hiện kê khai để nhắc nhở, phổ biến các tổ đội về an toàn lao động”.
Ngăn ngừa tai nạn, bảo vệ sức khỏe người lao động
Nhằm ngăn ngừa tai nạn, bảo vệ sức khỏe người lao động thì công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công tại các công trình xây dựng phải luôn được các cơ quan, đơn vị đặt lên hàng đầu. Theo đó, các Ban Quản lý dự án luôn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, ban hành các văn bản hướng dẫn, yêu cầu các nhà thầu thi công thực hiện đầy đủ việc trang bị bảo hộ cho người lao động và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn trong thi công.
Cán bộ tư vấn giám sát tại công trường phải nắm bắt và tìm hiểu kỹ càng về phương án thi công và bảo vệ an toàn, an ninh trong thi công cũng như vệ sinh môi trường lao động. Ngoài ra, các Ban Quản lý dự án phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động, an toàn thi công cho đội ngũ kỹ sư, giám sát thi công, chỉ huy công trình.
Đối với công trình xây dựng tòa nhà cao tầng, cầu đường... việc bảo đảm an toàn lao động càng phải nghiêm ngặt, khắt khe hơn. Toàn bộ khu vực thi công phải được quây lưới xung quanh và lưới bảo hiểm rơi, ngã ở mỗi tầng; các yêu cầu về trang thiết bị an toàn, phòng hộ cá nhân như mũ, giày bảo hộ, dây thắt an toàn khi thi công trên cao... được chấp hành nghiêm.
Người lao động ở các bộ phận phải được tập huấn kỹ năng, kiến thức về bảo đảm an toàn lao động |
Để bảo đảm an toàn khu vực công trường xây dựng, đơn vị thi công phải chủ động các phương án như lắp đặt các biển cảnh báo an toàn, hướng dẫn kỹ thuật, nội quy an toàn công trường... nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.
Ngoài ra, người lao động ở các bộ phận đều được tập huấn kỹ năng, kiến thức về bảo đảm an toàn lao động; thường xuyên nhắc nhở người lao động sử dụng đầy đủ các vật dụng bảo hộ lao động như mũ, ủng (giày), găng tay... trong quá trình làm việc trên công trường.
Những năm qua công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức trách nhiệm của nhà thầu trong bảo đảm an toàn khi thi công đã được nâng lên rõ rệt; công tác kiểm định về an toàn lao động cho người, máy móc, thiết bị phục vụ thi công tại công trường đã được triển khai nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại các công trình xây dựng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động, nhất là tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do ý thức trách nhiệm của nhà thầu, người lao động chưa cao.
Để hạn chế những tai nạn lao động đáng tiếc tại các công trình xây dựng, chủ đầu tư, người lao động luôn cần có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn. Người sử dụng nguồn lao động cần đào tạo cơ bản, thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình, nhất là tăng cường tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đối tượng sử dụng lao động và có chế tài xử lý nghiêm khắc nếu không tuân thủ. Cơ quan chức năng địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm những công trình xây dựng vi phạm an toàn lao động...