Đảm bảo công tác an toàn thực phẩm sau bão lụt
Trước đó, ngày 10/9, TTYT quận Bắc Từ Liêm phối hợp với phòng y tế xây dựng kế hoạch 126/KH-YT-TTYT về việc triển khai công tác y tế trong phòng chống thiên tai của ngành Y tế năm 2024 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Tính đến thời điểm 1 giờ sáng ngày 12/9, mực nước lũ trên sông Hồng tại Hà Nội trên mức báo động 2 và dưới mức báo động 3.
Cán bộ y tế TTYT quận Bắc Từ Liêm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở khu sơ tán tránh lũ |
Theo thống kê, trên địa bàn quận có 1.136 hộ với 5.358 nhân khẩu ngoài đê sông Hồng (bao gồm các phường: Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát) và ven sông Nhuệ, sông Pheo (bao gồm các phường: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đức Thắng, Phú Diễn, Minh Khai, Tây Tựu, Thụy Phương) có nguy cơ ảnh hưởng của lũ.
Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên các sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cho nhân dân trên địa bàn quận, TTYT quận Bắc Từ Liêm đã khẩn trương chỉ đạo trạm y tế các phường phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong việc rà soát, tuyên truyền, vận động nhân dân thuộc các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của lũ khẩn trương thực hiện di dời đến nơi an toàn theo quy định.
Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ, hậu cần tại chỗ bao gồm cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất xử lý môi trường, để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; thực hiện thường trực 24/24 giờ tại TTYT: Trực lãnh đạo, trực chuyên môn, thống kê báo cáo, trực đội cấp cứu cơ động, trực đội đáp ứng nhanh, trực đội phòng chống ngộ độc thực phẩm, trực hành chính, hậu cần, cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất, với tổng số 21 cán bộ/ngày.
Tại Phòng khám đa khoa Chèm và 13 trạm y tế duy trì trực cấp cứu 24/24 giờ sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của lũ lụt; phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong và sau mưa lũ.