Đảm bảo mọi người dân đều được khám sức khỏe định kỳ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm trạm y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm
Báo cáo tại buổi làm việc, Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm vừa qua, Ngành y tế Hà Nội đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị triển khai tốt công tác phòng, chống dịch. Kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết và bệnh do virut Zika bằng các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, giám sát phát hiện véc tơ truyền bệnh… TP Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và UBND các quận, huyện, thị xã trong quản lý ATTP…
Trong công tác khám, chữa bệnh, đến nay, 100% bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện phẫu thuật nội soi; phát triển các kỹ thuật cao trong các lĩnh vực: sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình, ghép thận… Đưa vào hoạt động Trung tâm kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội vào cuối tháng 11/2016 và năm 2017, ngành y tế Hà Nội sẽ thí điểm sàng lọc ung thư đường tiêu hóa cho 100% đối tượng người dân trên 40 tuổi tại 2 phường Trung Trực và Điện Biên thuộc quận Ba Đình, sau đó đánh giá và nhân rộng toàn Thành phố.
Về công tác tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người dân trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, người dân sẽ được khám sức khỏe 1 năm/lần tại các trạm y tế địa phương với sự hỗ trợ của các cơ sở y tế. Hiện, Sở đang khẩn trương triển khai thống kê dữ liệu dân số trên từng quận, huyện, thị xã; tập huấn cán bộ y tế; xây dựng phần mềm quản lý; lập hồ sơ quản lý sức khỏe tới từng người dân. Theo dự kiến, tháng 6/2017 sẽ triển khai diện rộng trên toàn Thành phố và phấn đấu hoàn thành khám sức khỏe người dân trong tháng 9/2017. Sau khi triển khai thực hiện, Sở Y tế dự kiến sẽ khám trung bình mỗi ngày cho khoảng 500 người.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, Hà Nội đang rất quyết liệt trong công tác theo dõi sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở. Qua theo dõi các trạm y tế, đã thực hiện tốt 3 lĩnh vực: phòng dịch bệnh, tiêm chủng và một phần khám chữa bệnh tại cơ sở. Với sự đầu tư tốt về cơ sở sở vật chất, hoạt động chuyên môn, trạm y tế sẽ phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe cho người dân. Việc khám bệnh định kỳ sẽ giúp người dân phát hiện sớm một số bệnh, trong đó có tầm soát sớm bệnh ung thư. Qua đó, cứu sống người bệnh và tiết kiệm chi phí…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND TP khẳng định, Hà Nội sẽ hoàn thành sớm việc triển khai khám bệnh, lập sổ theo dõi sức khoẻ cho tất cả người dân vào tháng 9/2017, bởi hiện dữ liệu dân cư thường xuyên được cập nhật, chỉ cần mở thêm trường thông tin về sức khỏe. Đến 30/6, thành phố sẽ hoàn thành lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế, cũng như triển khai phần mềm nối mạng chung ở 42 cơ sở y tế. Với việc nối mạng toàn hệ thống, sau này người dân khám bệnh ở đâu trên địa bàn thành phố cũng sẽ được cập nhật vào hệ thống. Mỗi người có có một mã số riêng, bác sỹ chỉ mở được các thông tin cá nhân được nếu người bệnh đồng ý để đảm bảo tính bảo mật.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ tạo điều kiện cho Hà Nội triển khai khám sức khỏe định kỳ cho người dân trên địa bàn, trong đó cần tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế hoạt động của trạm y tế, kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, cho phép cán bộ trạm y tế được khám và kê đơn một số bệnh thông thường. Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho Hà Nội sớm triển khai tầm soát ung thư hệ tiêu hóa cho người dưới 40 tuổi.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến công tác "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Đây là việc phải làm tốt từ cơ sở, là giải pháp lâu dài để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Phó Thủ tướng cho biết, sắp tới mỗi người dân sẽ được lập sổ khám chữa bệnh với các thông tin cơ bản: chiều cao, cân nặng, khám cận lâm sản; các chỉ số cơ bản về máu và siêu âm. Riêng ở Hà Nội, Phó Thủ tướng đề nghị cân nhắc huy động thêm nguồn lực xã hội hoá làm thêm các chỉ số quan trọng khác.
“Việc cần làm tiếp theo là đào tạo, tập huấn để các cán bộ y tế cơ sở có thể tư vấn sức khoẻ theo đặc điểm riêng của mỗi người dân” – Phó Thủ tướng lưu ý.
Hoan nghênh việc tầm soát ung thư sớm của Hà Nội, Phó Thủ tướng chỉ đạo TP cần quyết liệt trong việc cập nhật, tin học hóa toàn bộ thông tin sức khỏe của toàn dân. Song phải quản lý tốt, bảo mật thông tin cho người dân. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Hà Nội cần tập trung thêm một số nhiệm vụ như: Tập huấn tư vấn sức khỏe; tăng cường vai trò y tế cơ sở; tăng quyền tự chủ trạm y tế cơ sở đáp ứng mục tiêu phục vụ người dân; tuyên truyền để người dân biết lợi ích khi tham gia bảo hiểm… cùng nhau giúp toàn dân phòng bệnh hơn chữa bệnh, tạo diện mạo mới cho y tế Thủ đô.