Đăng tải hình ảnh người khác lên mạng xã hội với mục đích xấu có thể đối diện án tù 5 năm
Bắt giữ đối tượng dùng hình ảnh xe SH trên mạng lừa bán cho nhiều người Xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng mạng xã hội đăng tải thông tin thất thiệt Nhiều người trẻ đang nói không với mạng xã hội |
Bỗng một ngày “mặt mình” tràn lan trên mạng
Nữ sinh N rất sốc khi thấy hình ảnh của mình trong một đoạn video bị lồng ghép vào thông tin sai lệch.
Trước đó, N có chuyến du lịch đến Đà Lạt và được một người tiếp cận xin phỏng vấn. Những câu hỏi đặt ra hoàn toàn không đề cập đến chuyện phân biệt đi xe ga, xe số như nội dung phát tán trên mạng xã hội. Tiếng nói trong đoạn video cũng không phải của N.
HM - người dựng và tung đoạn video lên mạng thừa nhận đã ghép giọng nói khác vào hình ảnh của N để câu view, thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Tuy nhiên trên trang cá nhân, HM vẫn liên tục có những bài đăng, bình luận thách thức cộng đồng mạng và chế giễu nạn nhân.
N đã làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan chức năng với mong muốn nhóm người bôi nhọ hình ảnh của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn anh L trong lúc khó khăn đã được một người gọi điện để mời vay tiền qua app. Do gia đình anh L đang gặp trục trặc chưa đi thanh toán được liền bị nhóm người cho vay tiền gọi với những lời nói thiếu văn hóa, đe dọa đến gia đình, con cái.
Sự việc đẩy lên đỉnh điểm khi họ đem hình anh L và gia đình đăng lên tất cả các trang và gửi cho bạn bè người thân với lời lẽ thách thức và bôi nhọ nhân phẩm.
Trong khi bị áp lực, anh L xin trả số tiền gốc thì họ không đồng ý và bắt phải đóng phí phạt 2,4 triệu đồng. Anh L rất bức xúc và muốn trình báo cơ quan công an để xử lý các đối tượng có hành vi như trên.
Luật pháp bảo vệ quyền cá nhân với hình ảnh
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The light cho biết, mỗi cá nhân được pháp luật quy định và bảo hộ đối với quyền nhân thân của mình. Trong trường hợp trên thì quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình được quy định rất chi tiết tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cụ thể, việc sử dụng các hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Sử dụng những hình ảnh phục vụ của người khác với mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Về trường hợp nữ sinh N, luật sư Nguyễn Văn Hưng cho rằng, người này đồng ý cho người khác sử dụng hình ảnh của mình, tuy nhiên, họ đã sử dụng không đúng mục đích ban đầu; Anh L thì bị tung thông tin và hình ảnh tràn lan trên mạng chỉ vì khó khăn không trả nợ đúng hạn.
Thực tế, những đối tượng đã sử dụng ngôn ngữ xúc phạm, bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của nữ sinh N và anh L. Rõ ràng, các đối tượng đó đã có hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Theo luật sư Hưng, trong các trường hợp như trên, người vi phạm trước hết phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm; Đồng thời công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, đối với trường hợp sử dụng hình ảnh đó nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi này.
Khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù
Nếu như hành vi đó gây ảnh hưởng lớn, gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị sử dụng hình ảnh, các cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành vi này theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các tội làm nhục người khác. Đối với tội danh này, khung hình phạt cao nhất lên đến 5 tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Hành vi cắt ghép hình ảnh của người khác cũng có thể thỏa mãn tội danh vu khống. Nếu người vi phạm cố tình sử dụng những hình ảnh của người khác để vu khống cho họ làm một hành động nào đó mà không có thật mà cơ quan chức năng đủ căn cứ chứng minh thì người cắt ghép, sử dụng hình ảnh đó có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vu khống.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, người khác. Đối với tội danh này hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Đó là một số tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Do đó, người có hành vi cấp ghép, đăng tải hình ảnh, nhằm bôi nhọ, xuyên tạc người khác có thể bị xem xét đối với 2 tội danh này.
Không ít nạn nhân bị tung ảnh đời tư lên mạng xã hội (Ảnh minh hoạ) |
Luật sư Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh, hiện nay các trang mạng xã hội rất phát triển, thu hút được lượng người dùng rất đông đảo. Bên cạnh những mặt tích cực cũng có mặt tiêu cực. Nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, nói xấu làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Cơ quan chức năng đã rất kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng này. Tuy nhiên, nhiều đối tượng sử dụng hoạt động công nghệ cao nên gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng.
Liên quan đến vấn đề đăng hình ảnh của người khác lên mạng xã hội với mục đích bôi nhọ người khác, theo luật sư Hoàng Dương, Đoàn luật sư TP Hà Nội, người nào phát hiện đối tượng khác đăng tải hình ảnh của mình lên trên các mạng xã hội với mục đích bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu... việc đầu tiên nên tập hợp đầy đủ thông tin, hình ảnh để gửi cơ quan chức năng làm căn cứ, chứng cứ.
Trên cơ sở thông tin, hình ảnh đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét, xác minh. Điều này tránh trường hợp các đối tượng có thể gỡ bài, xóa bài viết gây khó khăn trong quá trình xử lý theo pháp luật.
Ngoài ra, người dân nên hết sức lưu ý đối với hoạt động của mình trên các mạng xã hội, cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, tránh tiết lộ quá nhiều thông tin, hình ảnh để các đối tượng xấu lợi dụng.