Dấu ấn Điện Biên trong lòng Hà Nội
“Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” theo bước chân những người anh hùng Khắc ghi sâu sắc công lao của các Anh hùng chiến sĩ Điện Biên Khánh thành công trình 65 tỷ đồng Hà Nội hỗ trợ tỉnh Điện Biên |
Hậu phương vững chắc cho chiến dịch lớn
Sau niềm vui của cả non sông mở hội khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh và xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, đưa Nhân dân lên vị thế chưa từng có trong lịch sử, đất nước chúng ta lại đứng trước những thách thức mới. Toàn quốc kháng chiến nổ ra, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô cùng người Hà Nội vượt sông Hồng trong đêm thực hiện cuộc rút lui chiến lược lên Chiến khu Việt Bắc, tiếp tục cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ.
Đường Điện Biên Phủ tại Hà Nội |
“Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại?
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường…
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng” (Ngày về - Chính Hữu)
Cũng kể từ lúc đó, trong suốt thời gian 9 năm kháng chiến gian khổ, bằng nhiều hình thức khác nhau, quân và dân Thủ đô, nhất là thế hệ học sinh, sinh viên đã có nhiều hoạt động tuyên truyền cách mạng, đấu tranh phản kháng chế độ thực dân như: Biểu tình, bãi khóa, đấu tranh chống bắt lính, đấu tranh đòi quyền lợi... và nhiều hoạt động bí mật khác.
Thiếu tướng Phạm Hồng Thái từng cho biết, góp sức cho thắng lợi cuối cùng tại chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại, quân và dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh về mọi mặt, các phong trào chống thuế của tiểu thương, thợ thủ công; đòi tăng lương trong công nhân; đòi dùng tiếng Việt, đòi dạy lịch sử Việt Nam trong trường học… không ngừng phát triển.
Chiếc xe thồ sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự |
Đến đầu tháng 3/1954, trong khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang bị ta bao vây và chuẩn bị nổ súng tiêu diệt, mặt trận Hà Nội quyết định đánh sân bay Gia Lâm. Kết quả ta tiêu diệt 16 tên địch, phá hủy 18 máy bay, gồm: 5 chiếc B26, 10 chiếc Đacôta, 3 chiếc chở khách; đốt phá một nhà sửa chữa máy bay, một kho xăng.
Điều này khiến cho hoạt động của sân bay trong nhiều ngày tiếp theo bị đình trệ, góp phần làm gián đoạn cầu hàng không, gây nhiều khó khăn cho địch trong việc tiếp tế, ứng cứu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tiếp tục chia lửa với mặt trận Điện Biên Phủ, chiều 4/4/1954, quân và dân huyện Gia Lâm lại đánh thắng một trận vang dội trên đường 5, lật nhào một đoàn tàu 13 toa chở quân lương, quân trang và vũ khí của địch từ Hải Phòng về Hà Nội.
Cuối tháng 4/1954, công nhân Sở binh lương Hà Nội đốt kho làm cháy hàng nghìn chiếc dù gây cho địch nhiều khó khăn trong việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Ngoài ra, cơ sở của ta trong đoàn xe tải ở Đấu Xảo chỉ đạo các lái xe phá hủy hàng trăm xe rồi trốn về với kháng chiến.
Hoa ban tím giữa đất trời Thủ đô |
Để phối hợp với chiến trường chính, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động phá hoại các kho vũ khí, xăng dầu, quân trang quân dụng, trại lính, những chuyến tàu chở quân của địch.
Trước thất bại liên tiếp của địch ở Điện Biên Phủ, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh công tác địch vận, tuyên truyền tin chiến thắng của ta, tán phát hàng vạn giấy thông hành, truyền đơn kêu gọi binh lính địch đào ngũ trở về nhà… đã có tác dụng kìm hãm lực lượng địch ở hậu phương, gây nhiều khó khăn cho địch trong việc ứng cứu, chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Kết quả, với sự góp sức tích cực từ mặt trận Hà Nội, ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng phất cao trên nóc hầm De Castries, chiến thắng vang dội của chúng ta tại Điện Biên Phủ đã đưa tên tuổi Việt Nam khắc sâu mãi vào lịch sử thế giới.
Cả đất trời Tây Bắc trong lòng Hà Nội
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng của quân và dân cả nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp Mỹ. Đây là chiến thắng vĩ đại của Nhân dân ta và cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham dự phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Giơnevơ đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 21/7/1954. Đây cũng là chiến thắng quyết định thắng lợi của ta trên mặt trận ngoại giao, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Kỳ tích này cũng mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ còn là nền móng vững chắc, là động lực quan trọng được chúng ta kế thừa và phát huy trong suốt những cuộc chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong những mốc son chói lọi của dân tộc.
Đặc biệt, năm 1972, chúng ta lại làm nên một trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” khẳng định vị thế Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Mùa xuân năm 1975, 21 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn dân tộc đã giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với ý nghĩa đó, Điện Biên Phủ là cái tên đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội. Đúng vào dịp kyr niệm 10 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1964, UBND TP Hà Nội đã quyết định chính thức đổi tên phố Cột Cờ thành Điện Biên Phủ cho tới nay.
Điều đặc biệt, trên con phố này có những công trình ý nghĩa rất lớn, mang biểu tượng của Hà Nội. Cùng với Cột Cờ Hà Nội in dấu lịch sử Thăng Long, giữa phố Điện Biên Phủ đặt tượng đài Lê Nin, cuối phố là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên phố còn có Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nơi trưng bày các hiện vật chiến đấu của dân tộc việt Nam qua các thời kỳ đấu tranh giữ nước.
Cột Cờ Hà Nội trên đường Điện Biên Phủ |
Trong đó, rất nhiều hiện vật về chiến thắng Điện Biên Phủ để ngày nay thế hệ trẻ có thể đến chiêm ngưỡng và biết ơn ý chí, tinh thần, nghị lực thép của cha ông ta ngày xưa đi chiến dịch. Đó là những chiếc xe thồ giản dị đối ngược với xác máy bay Hen - cát hiện đại, một trong 62 chiếc máy bay bị quân và dân ta bắn phá trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đến với những hiện vật này, bạn bè quốc tế càng ngả mũ kính phục Nhân dân Việt Nam anh hùng, quân đội Việt Nam thiện chiến, kính phục tài chiến lược chỉ đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược ứng phó linh hoạt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
70 năm trôi qua, những đóa hoa ban - loài hoa đặc trưng của Tây Bắc, loài hoa gợi nhớ đến chiến trường Điện Biên Phủ khi xưa ngày càng góp mặt, khoe sắc tại phố phường Hà Nội nhiều hơn. Cũng như tất cả mọi miền Tổ quốc hướng về Thủ đô với cả trái tim, Hà Nội luôn ôm cả bóng hình những vùng đất đặc biệt của cả nước với tình cảm trân trọng nhất.