Dấu ấn Mặt trận trên cuộc chiến chống dịch
Bài 1: Xông pha trên tuyến đầu
Năm 2021, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại với biến chủng mới Delta có mức độ lây lan rất nhanh và phức tạp. Đối mặt với sức “càn quét” hết sức khốc liệt của dịch bệnh, cùng với việc thực hiện các giải phát quyết liệt, Hà Nội yêu cầu hệ thống chính trị tại cơ sở, đặc biệt là các Tổ Covid-19 cộng đồng phải nỗ lực cao độ, nắm bắt chính xác tình hình, đảm bảo các giải pháp thành phố ban hành được thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Yêu cầu đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở cùng các tổ chức thành viên phải trở thành nòng cốt. Người Mặt trận cùng lúc đóng nhiều vai, từ tuyên truyền vận động Nhân dân bình tĩnh, không hoang mang, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho đến tham gia truy vết, trực chốt kiểm dịch; Vận động người dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt khó.
Cán bộ Mặt trận tại cơ sở tích cực tham gia trực chốt vùng xanh |
Động viên Nhân dân yên tâm chống dịch
Dù đã trải qua 4 đợt dịch, trở lại cuộc sống bình thường mới nhưng mỗi người dân Thủ đô vẫn chưa thể nào quên những thời điểm khi thành phố xuất hiện các chùm ca bệnh mới. Nếu như đợt dịch đầu tiên, thông tin thành phố thực hiện phong tỏa khiến ai nấy đều vô cùng hoang mang, nhiều người đổ xô đi mua lương thực dự trữ, nhiều gia đình hối hả đưa nhau về quê tránh dịch... thì các đợt tiếp theo, dư luận Nhân dân liên tục nóng trên khắp các diễn đàn mỗi khi “ổ dịch” mới xuất hiện cùng những con số công bố về F0, F1 tăng "chóng mặt".
Tới đợt thứ 4, việc thành phố phân vùng chống dịch, thực hiện kiểm soát giấy đi đường lại tiếp tục tạo nên các luồng ý kiến trong Nhân dân. Trong các bối cảnh đó, việc ổn định tâm lý để người dân không hoang mang, vững vàng chống dịch là nhiệm vụ tiên quyết của những cán bộ Mặt trận.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, các chỉ đạo của Trung ương, thành phố đưa ra luôn rất chính xác, kịp thời. Vấn đề của Mặt trận và các cơ quan khác khi ấy là phải nhanh chóng vận động Nhân dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm để phòng tránh nhưng cũng hiểu rõ quyết tâm của thành phố trong chống dịch để không chủ quan, lơ là.
Ở các tổ dân phố có các ca bệnh, sau khi danh sách F1, F2 được liệt kê, ngay trong đêm, Ban Công tác Mặt trận đã cùng với cán bộ y tế, cán bộ tổ dân phố xung kích đến tận nhà những trường hợp có liên quan để tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sau này là việc thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ tập trung tuyên truyền nên đại bộ phận người dân đã bình tĩnh, đoàn kết, tự có ý thức bảo vệ và phòng, chống dịch cho mình và mọi người.
Tổ giám sát cộng đồng tại cơ sở tăng cường vận động Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch |
Ngay khi trên địa bàn phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã lập tức “kích hoạt” hoạt động của 5 tổ giám sát cộng đồng. Mỗi tổ giám sát gồm có Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, một số đại diện đoàn thể địa phương. Để các gia đình đều yên tâm “ở yên tại chỗ”, tổ giám sát đã phân công, hỗ trợ các gia đình có nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Nòng cốt các tổ giám sát cộng đồng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là cán bộ, người uy tín ở cơ sở. Đó cũng là những người nắm rõ tình hình của bà con trên địa bàn nhất. Mỗi tổ giám sát phụ trách từ 30-40 hộ gia đình. Trong thời gian cách ly, mỗi ngày chúng tôi tổ chức đi đôn đốc, nhắc nhở, giám sát hai lần”.
Thời điểm phường Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội) xuất hiện số lượng lớn các ca bệnh, số người phải cách ly tại nhà khá đông, bà Phan Thị Ngọc Diệp, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ dân phố số 5 đã miệt mài tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 cho từng hộ gia đình. Bà đã đến từng nhà để rà soát, kiểm tra thông tin khai báo y tế, bảo đảm không có trường hợp nghi nhiễm bị bỏ sót trong cộng đồng; Vận động người dân trong khu phố cài đặt ứng dụng Bluezone để theo dõi...
Không chỉ vậy, bà còn thường xuyên tới những nơi bị phong tỏa tạm thời nắm bắt tình hình, hỗ trợ người dân, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt. Mỗi ngày, người ta đều thấy bà Diệp tất tả đi xin gạo, xin rau tiếp tế cho khu phong tỏa, chỉ cần người dân cần giúp đỡ là bà lên đường, không nề hà tối muộn hay sáng sớm.
Thời điểm thành phố yêu cầu cơ sở nắm bắt, kiểm soát người dân từ Đà Nẵng về, không để lây nhiễm dịch bệnh ra ngoài cộng đồng, các cán bộ Mặt trận tại cơ sở đã phải căng mình cùng với tổ dân phố rà soát đêm ngày. Khó ở chỗ, nhiều người dân từ Đà Nẵng về sợ bị cách ly ảnh hưởng đến công việc nên né tránh, bắt buộc cán bộ cơ sở phải mất tới 2-3 buổi mới thuyết phục thành công người dân tự giác khai báo và sau đó thực hiện cách ly.
“Chong đèn” bám chốt
Cán bộ Mặt trận tại cơ sở tích cực tham gia trực chốt vùng xanh |
Kể từ tháng 5/2021, khi trên địa bàn phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) luôn duy trì các chốt trực kiểm soát người ra - vào địa bàn nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan. Thời gian trực kéo dài trong nhiều tháng, đặc biệt vào cao điểm mùa hè, có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến 50 độ C nhưng các tình nguyện viên vẫn tham gia trực chốt 24/24 giờ.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kim Nỗ Nguyễn Duy Tiến cho biết: “Ngoài việc tham gia trực chốt, cán bộ Mặt trận còn vận động được nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ tiền, hiện vật cho công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó, tất cả các chốt trực của xã đều được dựng nhà tôn thay nhà bạt. Có 2 cá nhân còn ủng hộ điều hòa nhiệt độ lắp tại chốt, giúp bảo đảm sức khỏe cho những người tham gia trực”.
Thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Tổ công tác tại chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 trên các địa bàn quận Đống Đa cũng thay ca liên tục túc trực, đảm bảo việc người dân chấp hành quy định để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Các chốt “Vùng xanh” cũng được các lực lượng tập trung “bảo vệ”, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư số 2 (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) cho biết: “Tổ chúng tôi gồm có 21 người được chia làm 3 ca trực hàng ngày. Mỗi ca trực đều phải thực hiện nghiêm việc ghi nhật ký người ra vào và tuyệt đối không cho người lạ ra, vào khu vực. Mọi hoạt động trao đổi hàng hoá đều phải thực hiện bên ngoài khu vực chốt trực “vùng xanh”.
Mặc dù những người trực tại chốt đều đã có tuổi nhưng ai cũng rất trách nhiệm, tâm huyết và không quản ngày đêm để được góp sức vào công cuộc phòng chống dịch chung. Ngay như bản thân tôi, ngoài thời gian tham gia trực tại chốt còn tranh thủ huy động các nguồn lực để làm công tác thiện nguyện, kêu gọi ủng hộ vật chất, nhu yếu phẩm để cùng chính quyền phường chung tay giúp đỡ những người gặp khó khăn do dịch”.
Giữa dịch bệnh phức tạp hoành hành, lại phải tiếp xúc với cả trăm người mỗi ngày, không ai muốn đương đầu với nguy cơ lây nhiễm cao. Khi chính quyền cần, những cán bộ Mặt trận sẵn sàng góp sức của mình để cùng các lực lượng bám chốt, giữ vững “vùng xanh”, bảo đảm an toàn cho người dân.
(Còn nữa)