Đấu thầu ở Bệnh viện Mắt TP HCM: Công văn của Bộ Y tế và tính pháp lý bên mời thầu
Đấu thầu thủy tinh thể nhân tạo tại bệnh viện và những cảnh báo |
Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh |
Bộ Y tế trả lời về hiệu lực CFS
Ngày 13/7/2022, Bệnh viện Mắt TP HCM phát hành hồ sơ mời thầu 84.235 sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo cho năm 2022 và 2023, dự toán phê duyệt 231.752.205.000 đồng.
Ngày 30/8/2022, bên mời thầu có công văn nêu danh sách 3 nhà thầu không đạt kỹ thuật và bị loại; Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Thiết bị Y tế Anh Duy (Công ty Anh Duy) dự thầu thủy tinh thể nhân tạo ISP60Z không đạt với lý do CFS không đáp ứng hiệu lực theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 10 Thông tư 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế.
Cùng ngày 30/8/2022, Công ty Anh Duy có đơn kiến nghị Bệnh viện Mắt TP HCM đề nghị xem xét lại vì cho rằng đánh giá để loại nhà thầu như trên là hiểu chưa đầy đủ quy định hiện hành, bởi lẽ Thông tư 30/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc nhập khẩu trang thiết bị y tế chứ không phải quy định chung cho hồ sơ dự thầu. Còn thủy tinh thể nhân tạo ISP60Z của Công ty Anh Duy dự thầu được sản xuất tại Ý, nhập khẩu vào Việt Nam theo Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) thì có giá trị không thời hạn.
Ngày 6/9/2022, Bệnh viện Mắt TP HCM phát hành Văn bản số 600/BVM-VTTTBYT và vẫn loại Công ty Anh Duy. Sau đó, Công ty Anh Duy tiếp tục gửi đơn kiến nghị Sở Y tế TP HCM xem xét.
Đến ngày 30/9/2022, Sở Y tế TP HCM có Công văn 6906/SYT-TTra gửi Bộ Y tế đề nghị cho biết về hiệu lực của giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) với trang thiết bị y tế nhập khẩu.
Công văn số 5768/BYT-TB-CT của Bộ Y tế gửi Sở Y tế TP HCM |
Ngày 13/10/2022, Bộ Y tế có Công văn số 5768/BYT-TB-CT gửi Sở Y tế TP HCM trả lời về hiệu lực của giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) với nội dung: “Theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, quy định về hồ sơ công bố, đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế nhập khẩu phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ, không quy định về thời hạn hết hiệu lực đối với CFS không ghi thời hạn hết hiệu lực và được xem như hiệu lực của CFS này là không có thời hạn”.
Tính pháp lý của bên mời thầu chưa đảm bảo
Trong vụ đấu thầu đang đề cập, hồ sơ mời thầu và các công văn về danh sách nhà thầu đáp ứng và không đáp yêu cầu kỹ thuật của bên mời thầu đều do ông Trương Tử Gia ký tên. Công văn trả lời Công ty Anh Duy cũng do ông Trương Tử Gia ký tên với chức danh Tổ trưởng của Bên mời thầu. Những văn bản này đóng dấu Bệnh viện Mắt TP HCM treo ở đầu văn bản.
Hai văn bản do ông Trương Tử Gia, nhân viên hành chính Phòng Vật tư trang thiết bị y tế, Bệnh viện Mắt TP HCM ký |
Đại diện Bệnh viện Mắt TP HCM cho biết, ông Trương Tử Gia là nhân viên hành chính Phòng Vật tư trang thiết bị y tế của bệnh viện. Phòng này có 3 bộ phận là Hành chính, Bảo trì - sửa chữa và Kho. Bộ phận hành chính có 6 người trong đó có ông Trương Tử Gia. Khi ký hồ sơ mời thầu, ông Trương Tử Gia được cử ra mà không có ủy quyền.
Luật sư Lê Hoàng (Giám đốc Công ty Luật Lê Hoàng, Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ), cho biết: “Văn bản được xem có hiệu lực khi được tổ chức có chức năng ban hành, do người có thẩm quyền ký, quyết định; Thông thường là Giám đốc, Tổng Giám đốc hoặc người đại diện pháp luật; Trừ trường hợp Phó Giám đốc hoặc người được ủy quyền phù hợp. Nếu ngoài các trường hợp trên, văn bản và tổ chức cần có căn cứ, cơ sở phù hợp để làm rõ thẩm quyền người ký và tính pháp lý liên quan cũng như thông lệ. Trong hoạt động đấu thầu, sự không phù hợp như trên có thể dẫn tới thiếu tính rõ ràng và dễ nhầm lẫn bên liên quan”.
Như thế, ông Trương Tử Gia ký các văn bản đấu thầu khi không có ủy quyền là chưa đảm bảo tính pháp lý.
Khoản 3, Điều 4, Luật Đấu thầu 2013 định nghĩa: “Bên mời thầu là cơ quan, tổ chức có chuyên môn và năng lực để thực hiện các hoạt động đấu thầu, bao gồm: Chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn; Đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên; Đơn vị mua sắm tập trung; Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức trực thuộc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lựa chọn”. Điều 75, Luật Đấu thầu 2013 quy định trách nhiệm của bên mời thầu, gần như thực hiện tất cả các công việc thuộc gói thầu, trừ giai đoạn ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu và thực hiện hợp đồng (trừ mua sắm thường xuyên). |