Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Bài 1: Mạng xã hội - “miếng mồi ngon” để kẻ xấu tung tin, lôi kéo người trẻ
Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, TikTok… đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến người dân, nhất là giới trẻ. Chính những không gian mạng xã hội này trở thành “miếng mồi ngon” cho các thế lực thù địch lôi kéo người trẻ, tung tin xấu, chống phá Đảng, Nhà nước.
Lợi dụng mạng xã hội để chống phá
Thời gian qua, người dân không còn lạ với những vụ việc facebooker bị bắt khi đăng tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Với đặc điểm nổi trội là tính kết nối nhanh, chia sẻ rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại hay máy tính kết nối Internet, chúng ta có thể truy cập và tham gia vào rất nhiều trang mạng như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, TikTok…
Lợi dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thế lực thù địch dùng mạng xã hội để chống phá, lôi kéo người trẻ. Chúng cũng sẵn sàng mạnh tay đầu tư tài chính cho quảng cáo, tài trợ các chương trình nhằm tác động, dẫn dắt giới truyền thông tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước...
Các đồng chí công an làm việc với bà Nguyễn Thị Phương Hằng |
Gần đây, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam một số trường hợp được nhiều người biết đến, như Đặng Như Quỳnh - “KOL” nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook (ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) hay bà Nguyễn Thị Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam. Các đối tượng có hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ đăng tải những thông tin không được kiểm chứng lên mạng xã hội, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân...
Trong đại dịch COVID-19, giữa lúc toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân kề vai chung sức, cùng nhau vượt qua thời đoạn khó khăn lại gặp phải nhiều “lời ong tiếng ve” từ các thế lực xấu, làm trăn trở lòng người. Không đâu xa lạ, chính môi trường mạng xã hội trở thành mảnh đất béo bở để những dư luận trái chiều, tiêu cực, thậm chí chống đối, phản động bùng phát làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung cho công tác phòng, chống dịch của nước ta.
Facebooker Đặng Như Quỳnh bị bắt |
Tại TP Hồ Chí Minh, tâm dịch đợt bùng phát lần thứ 4, trong lúc tình hình vô cùng căng thẳng, lực lượng quân đội nhận nhiệm vụ tham gia cùng với Nhân dân chống dịch, thì trên các trang mạng xã hội, kênh thông tin phản động rêu rao luận điểm: “TP Hồ Chí Minh lập hàng rào kẽm gai, mang súng ống vào để chống dịch”.
Tiếp sau đó là những vụ việc bịa đặt, vu khống về việc người dân bị lực lượng phòng, chống dịch gây phiền hà, sách nhiễu. Thậm chí, còn dựng lên cả một sự việc người dân vì cùng khổ, không nhận được sự hỗ trợ, quan tâm kịp thời của chính quyền mà tự thiêu. Thâm độc hơn, bọn phản động dựng lên các câu chuyện liên quan đến lực lượng tình nguyện tham gia chống dịch để gây chia rẽ, phân biệt vùng, miền...
Tuy nhiên, điều đáng buồn là những người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là người trẻ không ít tỏ ra thiếu tỉnh táo, bị lôi kéo theo những luận điệu xuyên tạc, tiêu cực, chống phá, để hùa theo, kích động, trở thành công cụ cho thế lực đen tối lợi dụng. Chính các bạn thanh niên lại là đối tượng tích cực chia sẻ, bình luận tràn lan trên không gian mạng xã hội.
Tạo “sức đề kháng” cho người trẻ
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Internet, mạng xã hội cao. Kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu thanh niên cho thấy, hơn 90% thanh niên được khảo sát đang sử dụng mạng xã hội.
Các khảo sát cho thấy, nhận thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội của thanh niên đã tăng lên nhiều so với trước. Tuy nhiên, cũng có những nguy cơ hiện hữu đối với thanh niên trên mạng xã hội như việc sử dụng thái quá dẫn đến chứng “nghiện mạng xã hội”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Một số bạn trẻ không có khả năng chọn lọc, xử lý thông tin dẫn đến bị lợi dụng, kích động hoặc làm theo trào lưu xấu, độc, gây ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình, hội thảo nhằm nâng cao "sức đề kháng" cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng |
Mạng xã hội còn tạo ra những mối quan hệ phức tạp, khiến các bạn trẻ đối diện với nguy cơ bị lừa gạt, bị bắt nạt trên mạng, thậm chí cả việc sử dụng thông tin riêng tư cho những mục đích sai trái hay xâm hại và bóc lột… Những hiện tượng tiêu cực ấy đang trở thành mối nguy hại ảnh hưởng đến lối sống, tư tưởng, tinh thần, trách nhiệm và thái độ của thanh thiếu niên hiện nay.
Theo Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an thành phố Hà Nội, trong thời đại công nghệ số hiện nay, với tính đặc thù của đấu tranh tư tưởng trên mạng Internet, vũ khí tối ưu nhất vẫn là tạo “sức đề kháng” cho mỗi cư dân mạng có thể chống đỡ tác động từ thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.
Để tạo “sức đề kháng” cho người trẻ khi sử dụng mạng xã hội cần sự vào cuộc sâu, quyết liệt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa của tổ chức Đoàn các cấp trong tổ chức tự phòng, định hướng tham gia hoạt động trên môi trường mạng tích cực, an toàn, chủ động, hiệu quả. Chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp như: Xây dựng sản phẩm truyền thông hiện đại nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên trên môi trường mạng; Tập trung đăng tải thông tin chính thống, tích cực liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Tổ chức Đoàn - Hội cần nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ, đội hình tình nguyện tuyên tuyền, lan tỏa tin tốt và đấu tranh phản bác tin giả, sai sự thật, xấu độc trên môi trường mạng. Từ đó tạo “sức đề kháng” để thanh niên chủ động sàng lọc, nhận diện được thông tin độc hại, tiếp nhận thông tin tích cực trên môi trường mạng; Đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
(Còn nữa)