“Đầu tư chiều sâu” cho doanh nghiệp phát triển bền vững
Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp
Trước năm 2012, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 135.389 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đăng kí hoạt động. Trong số đó chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp có tổ chức đảng, với tổng số gần 20.000 đảng viên, chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP .
Bằng nhiều nỗ lực và cách làm sáng tạo, đến hết năm 2022 toàn TP đã có hơn 2.400 tổ chức đảng, với gần 30 nghìn đảng viên. Riêng 9 tháng đầu năm 2023, toàn TP đã thành lập được 90/69 tổ chức Đảng (đạt 130,4%); Kết nạp 578/453 đảng viên mới (đạt 127,6%); 366/480 tổ chức đoàn thể, với 27.409/24.320 đoàn viên, hội viên; 228/300 tổ chức Công đoàn (đạt 76%) với 22.542/20.000 đoàn viên (đạt 112,7%); 138/180 tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên (đạt 76,7%) với 4.867/4.320 đoàn viên, hội viên đạt (112,7%).
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp huyện Sóc Sơn (Đảng bộ huyện Sóc Sơn) |
Sau khi được thành lập, nhiều tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã bám sát chức năng, nhiệm vụ theo các quy định của Ban Bí thư, lãnh đạo đảng viên, người lao động và tuyên truyền, vận động ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy; Tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp
Để tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong các doanh nghiệp theo hướng chuyên sâu, đồng thời thực hiện chủ trương tinh gọn đầu mối, từ thực tiễn của một số Quận, Huyện ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy định “quy định tạm thời một số điểm khi thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp các Quận, Huyện, Thị ủy”; Trong đó thống nhất thành lập Đảng bộ Khối hoặc Đảng bộ cụm công nghiệp trực thuộc Quận, Huyện, Thị ủy có… tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trở lên.
Đến nay đã có 30 /30 quận, huyện thành lập được Đảng bộ khối doanh nghiệp. Nhiều Đảng bộ khối đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt trong việc tuyên truyền, vận động thành lập các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, cũng như kết nối các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp tham gia hiệu quả các hoạt động an sinh, xã hội
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, mục tiêu chính của việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nôi về "Tăng cường công tác xây dựng Ðảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội" không chỉ là thành lập tổ chức Đảng, mà là sự hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động. Việc này trong bối cảnh hiện nay không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn là cách "thuận tự nhiên" nhất giúp doanh nghiệp, người lao động thấy được việc đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ đem lại lợi ích rất lớn.
Vì vậy, trong cách làm phải xác định tinh thần thái độ phục vụ doanh nghiệp; Tăng cường đặt hàng các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho người lao động. Đồng thời trong cách làm, TP cần tập trung vào trọng yếu, trọng điểm để dồn lực thực hiện, từ đó lan tỏa sang các khu vực khác. Đặc biệt, người đứng đầu địa bàn phải có tầm nhìn rộng, có hoạt động truyền cảm hứng...
Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng Sơn Ðông Á, Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: "Việc xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên còn là một sự đầu tư có chiều sâu, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững".
Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 09 NQ-TU, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, nhận thức của các đơn vị về Nghị quyết có chuyển biến nhưng không đồng đều. Dù TP không giao chỉ tiêu nhưng việc thành lập mới tổ chức Đảng và phát triển đảng viên ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ đảng viên là chủ doanh nghiệp còn thấp.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội là địa phương duy nhất của cả nước có Đảng ủy Khối doanh nghiệp của các Quận. Huyện, Thị ủy. Vì thế, việc đẩy mạnh tuyên truyền công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Các Đảng ủy Khối doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng, động viên trực tiếp, đối thoại cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn khi gặp khó khăn. Qua đó, các doanh nghiệp hiểu rõ vai trò, vị thế của một doanh nghiệp khi có tổ chức Đảng hoạt động.
Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment (huyện Mê Linh) thuộc Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có chi bộ Đảng hoạt động hiệu quả |
Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về việc thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TU, qua đó góp phần lãnh đạo, phát triển kinh tế - xã hội thông qua các doanh nghiệp. Trong đó, các đơn vị cần mở các lớp đào tạo, tập huấn về công tác phát triển Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Đồng thời, phải tăng cường công tác tuyên truyền về Nghị quyết 09 - NQ/TU bằng nhiều hình thức khác nhau.
Những kết quả, kinh nghiệm vừa qua là nền tảng quan trọng cho các cấp ủy thời gian tới. Tuy nhiên, qua tìm hiểu ở cơ sở cho thấy, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần sự chung tay tháo gỡ của các cơ quan chức năng.
Trong đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của một số chi bộ còn chưa thật sự đổi mới, đa dạng trong cách thức tuyên truyền, quán triệt. Công tác tuyên truyền, vận động và khảo sát thành lập tổ chức Đảng còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao, chủ doanh nghiệp còn e ngại việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Một số bí thư chi bộ không phải chủ doanh nghiệp, cho nên việc triển khai các nhiệm vụ công tác Ðảng gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị còn gặp khó khăn.
Việc khảo sát, thành lập mới các chi bộ và phát triển Ðảng trong các doanh nghiệp cũng gặp vướng mắc do nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua cũng khiến một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động.
Về vấn đề này, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh quan điểm, càng khó thì Hà Nội càng phải làm tốt hơn, thực hiện hiệu quả hơn. Việc này đòi hỏi sự kiên trì, thường xuyên, liên tục của các địa phương. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tăng cường đối thoại, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân; Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, xây dựng các thiết chế văn hóa - xã hội tại các khu công nghiệp tập trung đông công nhân sinh sống.
"Chúng ta không phải bằng mọi giá thành lập tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, mà phải chú trọng đến chất lượng tổ chức đảng ở loại hình doanh nghiệp này, cũng chính là để giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, việc thành lập được tổ chức đảng trong các doanh nghiệp đã đòi hỏi cách làm kiên trì, bền bỉ nhưng việc duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng của các tổ chức Đảng còn khó hơn. Ðể khắc phục tình trạng này, huyện đã vận động, tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho chi ủy, nhất là bí thư các chi bộ về chức năng, nhiệm vụ tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ðống Ða, Nguyễn Anh Cường chia sẻ: "Lãnh đạo quận xác định việc phát triển Ðảng không chỉ là thành lập, kết nạp mới cho đủ chỉ tiêu, quan trọng là phải duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động cho các tổ chức cơ sở Đảng". Ðể làm được điều đó, Quận ủy không "khoán trắng" việc này cho Ðảng ủy Khối doanh nghiệp, mà Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy cùng tích cực tuyên truyền, vận động, theo dõi, bồi dưỡng từng chi bộ để đổi mới nội dung, phương thức phù hợp với hoạt động các doanh nghiệp. Nhờ đó, Nghị quyết đã đi vào đời sống của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.