Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, chỉ số PAPI của Việt Nam cải thiện tăng đều theo từng năm
Chỉ số PAPI tăng đều theo từng năm
Báo cáo PAPI 2020 ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền các cấp của 14.732 người dân được chọn ngẫu nhiên trong dân cư Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, với đặc điểm nhân khẩu đa dạng trong nhiệm kỳ 2016-2020. Trong số những người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 14.424 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và 308 người có hộ khẩu tạm trú ở 6 tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư rộng lớn nhất toàn quốc (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh).
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và 92 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Để xếp hạng, PAPI 2020 đánh giá trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Từ năm 2016 trở đi, chỉ số PAPI được cải thiện tăng đều theo từng năm. Trong đó, năm 2020, chỉ số PAPI đã đạt điểm số cao nhất (37,8 điểm) kể từ khi chương trình nghiên cứu này bắt đầu khảo sát vào năm 2011. Kết quả phân tích PAPI 2020 cho thấy xu thế tích cực, đặc biệt ở chỉ số nội dung thủ tục hành chính công đạt điểm cao nhất 7,36 điểm, tăng nhẹ so với điểm của năm 2019 là 7,35, nhưng lại thấp hơn so với năm 2018 là 7,39.
Nhờ đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, việc làm thủ tục hành chính của người dân đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều |
Đối với từng địa phương, có tới 60 tỉnh, thành phố ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên dao động từ 0,1% đến 3,1% trong 10 năm qua. Đặc biệt 4 tỉnh: Bắc Ninh, Trà Vinh, Quảng Ninh và Cao Bằng có tỷ lệ tăng trưởng chỉ số PAPI gốc thường niên đạt trên 2,5%.
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen nhận định, những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2021); Trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư; Quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ. PAPI cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở các lĩnh vực quản trị và hành chính công.
Các địa phương đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến
Có thể thấy, chỉ số PAPI được cải thiện tăng đều theo từng năm là nhờ các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Với mục tiêu đưa Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trở thành nhiệm vụ hàng đầu để phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nhiều Bộ ngành, địa phương trên cả nước đang nỗ lực đưa các DVCTT đủ điều kiện lên mức độ 4 ngay trong năm 2021.
Điển hình như, với vai trò quan trọng là đầu mối giúp Chính phủ tổng hợp, đánh giá, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia toàn diện, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn các đơn vị thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ này.
Đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ TT&TT ban hành nhiều văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để đạt được mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT mức độ 4 trong năm 2021.
Bộ TT&TT khuyến nghị các đơn vị, muốn đẩy nhanh quá trình triển khai cung cấp 100% DVCTT đủ điều kiện ở mức 4 một cách hiệu quả, một trong những điểm quan trọng là việc sử dụng giải pháp Cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật và khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định hiện hành.
Cụ thể, tùy vào hiện trạng triển khai tại từng địa phương, trong quá trình thực hiện đưa 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4, địa phương có thể xem xét lựa chọn giải pháp: Triển khai Cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử trên cùng một nền tảng đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành; Triển khai theo mô hình cung cấp dịch vụ phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây SaaS (Software-as-a-Service) đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành.
Theo đại diện Bộ TT&TT, với việc triển khai theo giải pháp trên, thiết lập một DVC mới sẽ thực hiện trên cơ sở tùy biến các biểu mẫu và quy trình xử lý điện tử, các tài nguyên sử dụng chung sẽ được tận dụng tối đa; Người dùng tại các đơn vị có thể chủ động khởi tạo và cung cấp DVCTT mức 4 trên môi trường mạng".
Còn theo ý kiến của một số chuyên gia, để nâng cao hiệu quả các DVCTT mức hiện nay, các đơn vị cần phối hợp tích cực với Sở TT&TT các địa phương, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng khi sử dụng DVCTT, nhất là thiết kế các tài liệu hướng dẫn theo từng bước thực hiện dịch vụ dưới dạng tờ gấp để cung cấp cho người dùng tại Bộ phận một cửa các cấp; tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tạo thêm kênh thông tin về lợi ích khi sử dụng DVCTT đến từng hộ gia đình.
Được biết, riêng cổng Dịch vụ công quốc gia, từ tháng 12/2019 đến nay đã cung cấp 3.157 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 1.719 dịch vụ công cho công dân, 1.742 dịch vụ công cho doanh nghiệp), số hồ sơ đồng bộ trạng thái là trên 77 triệu. Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương, 8 tập đoàn, tổng công ty, công ty và 15 ngân hàng, trung gian thanh toán kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Số giao dịch trên cổng là 116.000 với tổng số tiền 258 tỷ đồng cho các dịch vụ thanh toán như phí, lệ phí, BHXH, BHYT, án phí...
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021