Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 551.378,271 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 94,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,9% kế hoạch).
Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 28.668,563 tỷ đồng (bằng 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP).
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/1/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn số liệu đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 1/2023 do đã cập nhật số liệu của các tỉnh: Hà Tĩnh, Hòa Bình; thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.
Trong đó có 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (93,42%).
Theo báo cáo, để đạt được những kết quả nêu trên là do: Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công quyết liệt, cụ thể, giải pháp được ban hành kịp thời, hiệu quả; Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công; Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia thực hiện trong kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, việc bố trí vốn được thực hiện tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển theo các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế, trong đó có những hạn chế đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được khắc phục được là: Vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế. Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; cấp mỏ và khai thác vật liệu xây dựng; nhiều dự án gặp khó khăn trong việc tìm bãi đổ thải trong quá trình thi công; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...