Đẩy mạnh mô hình trồng rau an toàn kết hợp với du lịch trải nghiệm
Tận dụng lợi thế từ điều kiện tự nhiên
Tận dụng lợi thế của vùng đất bãi phù sa màu mỡ, thời tiết, khí hậu thuận lợi, cùng với thị trường tiêu thụ rộng lớn nên hộ kinh doanh Nghiêm Thị Hường 1981 ở thôn Kim Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, trồng rau an toàn các loại để cung cấp ra thị trường.
Hiện tại, tổng diện tích trồng rau an toàn của hộ kinh doanh Nghiêm Thị Hường 1981 lên tới 20.000m2, chuyên trồng các loại rau ăn lá theo mùa vụ như: Rau ngót, rau cải ngồng, rau cải canh, cải bẹ dưa và cà chua. Tất cả các sản phẩm này đều được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định OCOP 3 sao năm 2021.
Nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực tập trung sản xuất rau an toàn |
Theo chị Nghiêm Thị Hường, trong quy trình sản xuất rau an toàn quan trọng nhất chính là khâu chọn giống và chăm sóc. Toàn bộ giống rau ăn lá và cà chua được hộ kinh doanh nhập mua từ các đơn vị uy tín trên thị trường. Để rau sinh trưởng và phát triển tốt thì khâu làm đất, chăm bón phải thật tỉ mỉ.
Cụ thể, sau mỗi vụ rau thu hoạch xong, sẽ để cho đất “nghỉ ngơi” một thời gian, tiếp đó sẽ được cày xới kĩ lưỡng và gieo hạt. Quá trình chăm sóc hoàn toàn tự động bằng hệ thống tưới nước thông minh, đặc biệt, hộ kinh doanh không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh.
Việc đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP là một sự nỗ lực rất lớn của hộ kinh doanh trong quá trình sản xuất để tạo ra được những sản phẩm đặc trưng địa phương, có chất lượng cao, cạnh tranh được trên thị trường. Hiện sản phẩm rau an toàn của hộ kinh doanh chủ yếu được tiêu thụ tại các trường học, bếp ăn trên địa bàn huyện Phú Xuyên và các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam. Tất cả các loại rau, quả của hộ kinh doanh đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.
Các sản phẩm rau an toàn của hộ kinh doanh Nghiêm Thị Hường đều được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định OCOP 3 sao năm 2021 |
“Trong năm, thời điểm giáp Tết Nguyên đán là thời gian bận rộn nhất bởi luôn tất bật trồng, chăm sóc các loại rau theo đơn đặt hàng của các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, các nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn trong và ngoài huyện, tuy nhiên, tôi vẫn đặt chất lượng và uy tín lên hàng đầu để cung cấp những sản phẩm thực sự chất lượng đến với khách hàng”, chị Nghiêm Thị Hường nhấn mạnh.
Thời gian tới, hộ kinh doanh Nghiêm Thị Hường mong muốn sẽ mở rộng diện tích sản xuất và thị trường tiêu thụ, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục tham gia chương trình OCOP của thành phố Hà Nội để xây dựng thương hiệu của riêng bản thân mình.
Kết hợp khai thác du lịch trải nghiệm
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm đang là xu hướng phát triển bền vững. Sự kết hợp giữa sản xuất với hoạt động trải nghiệm du lịch tạo cho du khách có thêm những kiến thức thú vị về sản phẩm, góp phần gia tăng lợi ích kinh tế.
Một trong những điển hình tiêu biểu về mô hình kết hợp giữa sản xuất với hoạt động trải nghiệm du lịch trên địa bàn huyện Phú Xuyên chính là vườn Nông sản sạch Vinh Hà, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên đã kết hợp sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác du lịch. Đây là hình thức canh tác mới, còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng nên tour tham quan vườn rau được thiết kế nhằm mục đích giúp người tiêu dùng hiểu được nguồn gốc và giá trị của rau, củ, quả hữu cơ sau khi đã có những trải nghiệm thực tế.
Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh mô hình trồng rau an toàn kết hợp với du lịch trải nghiệm |
Bà Đồng Thị Vinh, chủ cơ sở sản xuất Nông sản sạch Vinh Hà cho biết: Chủ nhật cuối tuần, nhiều gia đình có con nhỏ đã lựa chọn về vườn Nông sản sạch Vinh Hà làm nơi thư giãn sau một tuần làm việc và học tập căng thẳng. Một ngày ở đồng ruộng, du khách tham quan sẽ được tham gia vào hoạt động trồng rau, cách nhận biết các loại rau ăn thường ngày, đặc biệt có thể biết được cách phân biệt rau thường và rau hữu cơ. Ngoài ra, du khách được tự mình hái rau để cùng chế biến các món ăn từ nguyên liệu sạch, phục vụ bữa trưa tại cơ sở.
“Khi đến trải nghiệm thực tế tại cơ sở sản xuất, khách tham quan sẽ được tham gia trực tiếp vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ, hiểu được lợi ích của mô hình trồng rau hữu cơ, để từ đó giới thiệu và quảng bá sản phẩm rau sạch an toàn đến với người tiêu dùng”, bà Đồng Thị Vinh nhấn mạnh.
Mô hình trồng rau an toàn kết hợp với du lịch trải nghiệm là một trong những hướng đi triển vọng, tạo ra vùng nông sản hàng hóa an toàn, gắn kết theo chuỗi giá trị giúp nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người sản xuất. Thông qua thực hiện mô hình, không chỉ giúp các hộ dân nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho các hộ dân về việc sản xuất rau an toàn đạt chuẩn, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.