Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của Thủ đô
Sáng 15/6, sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát kiểu kết luận hội nghị |
Hà Nội không điều chỉnh các chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành
Phát biểu bế mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã điểm lại những kết quả nội bật của thành phố trong nửa nhiệm kỳ qua; Đồng thời chỉ ra 10 hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và 5 nhóm hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Từ đó chỉ rõ, TP tập trung ưu tiên triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 và nửa nhiệm kỳ còn lại của giai đoạn 2020-2025.
Cụ thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tăng cường phân công, phân cấp, ủy quyền rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ địa chỉ, rõ kết quả; Phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Ngoài ra, các Sở, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khá để có giải pháp tập trung thúc đẩy các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá; Những chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành, cần tập trung cao độ trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà 10 chương trình công tác của Thành ủy đã đề ra.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ đã thống nhất cao không đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành, vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành cần nêu cao quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà đã đề ra.
Về nhiệm vụ còn lại của năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại kinh tế; Phát triển các mô hình kinh tế mới; Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; Thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI, tập trung vào các chỉ số thành phần còn thấp;
Đồng thời, tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, phát huy những giá trị đạo đức, văn hoá, nhân văn của Thủ đô nghìn năm văn hiến, những đặc trưng riêng trong nếp sống truyền thống của người Thăng Long - Hà Nội phù hợp với những yêu cầu của nếp sống đô thị hiện đại.
Cùng với đó, TP quyết liệt triển khai việc thực hiện đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa. Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quang cảnh hội nghị |
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 và trình cấp có thẩm quyền thông qua; Đề xuất nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua theo đúng kế hoạch.
Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng của TP, bảo đảm theo kế hoạch đề ra (Dự án xây dựng đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị; Dự án nhà ở xã hội; Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Dự án "Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá", 8 dự án lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải từ nguồn vốn đầu tư công và 3 dự án thoát nước bằng nguồn vốn xã hội hóa…).
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tại Hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuối năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận, nghiêm túc chỉ ra một trong các hạn chế còn tồn tại đó là về kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị của TP, việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý "bàn lùi", "không làm thì không sai", không dám tham mưu, đề xuất, thậm chí không quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền… chính những tồn tại này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP.
Với quyết tâm khắc phục các hạn chế tồn tại nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu, dự thảo Chỉ thị của của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị.
Các ý kiến đều thống nhất quan điểm, sự cần thiết phải ban hành Chỉ thị nêu trên của Ban Thường vụ Thành ủy và cho rằng, ngoài tính hiệu triệu, Chỉ thị cần lượng hóa, quy định rõ để nhận diện được các biểu hiện, các hành vi vi phạm, cùng với đó là các chế tài xử lý đủ mạnh mang tính răn đe, cảnh tỉnh; Đồng thời bày tỏ sự tin tưởng việc ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị sẽ tạo ra chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị về kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cơ quan chủ trì tiếp thu tối đa các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chỉ thị và ban hành để sớm triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ Hà Nội.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị mỗi đồng chí Thành ủy viên, đồng chí thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của thành phố cần tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; Phát huy cao độ trách nhiệm người đứng đầu, vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; Tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.