Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia
Cần thiết đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai
Với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ở, nhu cầu sử dụng đất cũng tăng lên cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ đòi hỏi phải xây dựng hệ thống thông tin đất đai để quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất.
Tuy nhiên, năng lực thực thi chính sách pháp luật của ngành quản lý đất đai chưa theo kịp được sự phát triển và còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là khoảng cách giữa khung chính sách và hiệu quả thực thi pháp luật vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, khung chính sách không được thực thi một cách thống nhất giữa các địa phương trong cả nước.
Trước những yêu cầu đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, đến thời điểm hiện tại, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai do địa phương quản lý lên Hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin đất đai quốc gia đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.
Người dân sử dụng dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai hộ gia đình, cá nhân |
Cụ thể, 9 tỉnh đã kết nối dữ liệu, 45 tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, dữ liệu để kết nối theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 126 dịch vụ dữ liệu về đất đai cấp Trung ương và cấp địa phương được kết nối lên hệ thống.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công về đất đai, cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, đồng thời, cũng tạo lập các hành lang pháp lý hỗ trợ cho việc triển khai hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về dữ liệu đất đai, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tìm ra một giải pháp. Trước đây, chúng ta nghĩ nó là một dự án rất lớn. Hiện nay tư duy theo hướng làm thành 1 + 63, tức là có 63 địa phương và có phần tập trung.
Kết nối dữ liệu đất đai đa mục tiêu
Thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và căn cứ theo nhiệm vụ được giao, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường chủ động, tích cực triển khai thực hiện các công việc theo phân công. Trong đó phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức làm việc với Văn phòng Chính phủ; Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông về một số nội dung, giải pháp công nghệ triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Đánh giá về tiến độ triển khai xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, chia sẻ: Cục đã hoàn thành thử nghiệm kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý và một số tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Tây Ninh.
Các nội dung dữ liệu đã kết nối, chia sẻ như: Dữ liệu hiện trạng sử dụng đất của quốc gia và 7 vùng kinh tế; Dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và 7 vùng kinh tế; Dữ liệu khung giá đất, bảng giá đất các tỉnh; Dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai của quốc gia và 7 vùng kinh tế; Dữ liệu về 12 trường thông tin cơ bản của thửa đất; Bản đồ quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đối với Thành phố Hồ Chí Minh”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là công việc quan trọng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao. Bộ trưởng thống nhất việc ưu tiên kinh phí để thực hiện nhiệm vụ và đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai làm việc với Tổng cục Thuế thống nhất các phương án từ đó tham mưu cho Bộ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sử dụng các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ.
Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên 43 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ quét. Đồng thời, các tỉnh, thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai cho công tác quản lý và các giao dịch liên quan đến đất đai.
Việc thống nhất hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu sẽ hướng đên cung cấp một nền tảng mà dữ liệu được chia sẻ rộng rãi với các bộ, ban, ngành khác, thúc đẩy tính minh bạch và sự tiếp cận của cộng đồng để cập nhật và khai thác thông tin đất đai đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, các cơ quan và các bên liên quan như cơ quan thuế, công chứng, ngân hàng, cơ quan thanh tra, điều tra, tư pháp… thuận tiện hơn trong việc khai thác, chia sẻ các thông tin đất đai để thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành, đặc biệt là những thông tin liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, giá đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính bền vững và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021