Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui…
Rực sáng cờ Đảng, cờ Tổ quốc ngày vui Giải phóng |
Nhà giáo Trần Lệ Khanh, Hiệu trưởng trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội):
Tạo môi trường giáo dục gần gũi, thân thiện
Đổi mới giáo dục là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải luôn nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Với mong muốn để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui với học sinh”, thời gian qua ngành Giáo dục và các trường trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng trường học hạnh phúc ở tất cả các cấp học.
Giá trị cốt lõi của trường học hạnh phúc là “Yêu thương - an toàn - tôn trọng”. Trường học hạnh phúc là nơi giáo viên và học sinh có môi trường học tập, làm việc vui vẻ, thoải mái. Thời gian qua, cùng các trường khác trên địa bàn Thủ đô, trường THCS Lĩnh Nam có những hoạt động tích cực để tạo môi trường thân thiện, gần gũi giữa học sinh và giáo viên; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm; áp dụng những phương pháp, hình thức dạy học mới vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhà giáo Trần Lệ Khanh, Hiệu trưởng trường THCS Lĩnh Nam |
Trường hạnh phúc là nơi mà tình yêu thương giữa thầy và trò, giữa các học sinh, giáo viên được trân trọng và bồi đắp hàng ngày. Đó là môi trường giáo dục chú trọng giảng dạy không chỉ kiến thức, kỹ năng học sinh còn thiếu mà còn hỗ trợ, tạo điều kiện để trẻ phát huy tối đa tiềm năng, niềm yêu thích và say mê học tập.
Không dừng lại ở đó, thông điệp trường học hạnh phúc còn hướng đến môi trường học tập mở ra cơ hội rèn luyện, nâng cao thể chất và tâm lý, kích thích sự phát triển của học sinh trong quá trình phát triển nhân cách và tố chất của bản than. Từ đó, các em hoàn thiện hơn về tri thức và nhân cách.
Tuy nhiên, xây dựng trường học hạnh phúc là cả một quá trình. Trong đó, bản thân mỗi giáo viên cần thay đổi tư duy nhận thức, hành động và cả cảm xúc để có được các bài học hay, đầy hứng thú với học sinh, tạo ra bầu không khí thân thiện và yêu thương. Vì vậy, ngành Giáo dục Thủ đô cần tổ chức tập huấn trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho giáo viên.
Nhà giáo Trần Lệ Khanh, Hiệu trưởng trường THCS Lĩnh Nam (thứ hai từ trái sang) trao quà tới học sinh hoàn cảnh khó khăn |
Bên cạnh đó, bộ dự thảo tiêu chí “Trường học hạnh phúc” dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm 3 tiêu chuẩn: Về con người; về dạy học và hoạt động giáo dục; về môi trường (mỗi tiêu chuẩn lại bao gồm nhiều tiêu chí cụ thể, với tổng số 15 tiêu chí) cần được đẩy mạnh trong thực tế để giúp các con học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Nhà giáo Vũ Thúy Hường, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng, Hà Nội):
Đổi mới giáo dục đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới
Công cuộc đổi mới đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, mà một trong những nhiệm vụ chính là triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò của giáo viên cần thay đổi từ người truyền thụ kiến thức thành người tổ chức, định hướng và hỗ trợ học sinh. Giáo viên không chỉ là nguồn cung cấp thông tin mà còn là người khơi gợi sự tò mò và đam mê học hỏi của học sinh.
Để làm điều này, các giáo viên cần: Tạo môi trường học tập tích cực; thiết kế lớp học sao cho khuyến khích học sinh tham gia, đặt câu hỏi và trao đổi ý kiến; sử dụng các phương pháp như "học qua chơi" và các trò chơi để làm cho việc học trở nên thú vị hơn.
Nhà giáo Vũ Thúy Hường, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám |
Giáo viên cũng cần huyến khích học sinh làm việc theo nhóm để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Qua đó, các em không chỉ học hỏi từ nhau mà còn phát triển kỹ năng giao tiếp và hợp tác, hai yếu tố rất quan trọng trong xã hội hiện đại. Thầy cô thiết kế các bài học liên kết nhiều môn học khác nhau để học sinh thấy được sự liên quan giữa các kiến thức.
Việc khuyến khích sự tự chủ và sáng tạo của học sinh rất quan trọng. Học sinh cần được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án và bài tập thực hành, từ đó tự nghiên cứu, trình bày ý tưởng và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Việc xây dựng kỹ năng tự học cũng rất quan trọng; giúp các em biết cách tìm kiếm, phân tích thông tin và tự đưa ra giải pháp.
Mặt khác, nhà trường cần tạo ra không gian học tập khuyến khích sự sáng tạo, như phòng thí nghiệm sáng chế, nơi học sinh có thể thử nghiệm ý tưởng của mình, làm việc với các vật liệu khác nhau và phát triển các dự án cá nhân.
Để việc dạy và học tại các trường học ở Hà Nội đáp ứng hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT đã tổ chức các khóa tập huấn thường xuyên về phương pháp dạy học mới, giúp giáo viên nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết để triển khai chương trình giáo dục mới; tổ chức các tiết dạy chuyên đề, diễn đàn, hội thảo để giáo viên có thể chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy hiệu quả.
Hoạt động sinh hoạt dưới cờ của học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám |
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ về chuyên môn, các tài liệu hướng dẫn chi tiết về các phương pháp giáo dục hiện đại; giúp giáo viên dễ dàng tiếp cận và áp dụng để việc giảng dạy Chương trình giáo dục phổ 2018 đạt hiệu quả cao nhất.
Cô giáo Bùi Thị Thu Phương, Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội):
Tổ chức tốt hoạt động ngoài giờ lên lớp
Ở thế kỷ XXI, nhân loại đứng trước bối cảnh lịch sử mới và đối mặt với những thách thức chưa từng có. Sự chuyển biến từ thời kỳ công nghiệp sang phát triển khoa học công nghệ, nền kinh tế tri thức, xu thế toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng đã tác động đến tất cả các lĩnh vực, làm biến đổi nhanh chóng, sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của nhân loại. Điều này dẫn đến sự thay đổi căn bản các đặc tính văn hóa và giáo dục đã được hình thành qua nhiều thế hệ ở từng quốc gia cũng như trên toàn thế giới.
GD&ĐT cung cấp nguồn nhân lực và nhân tài cho sự phát triển của khoa học công nghệ. Mặt khác, sự phát triển của khoa học công nghệ lại tác động vào toàn bộ cơ cấu hệ thống giáo dục, đòi hỏi GD&ĐT phải luôn tự mình vận động, phát triển đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế - xã hội.
Cô giáo Bùi Thị Thu Phương, Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Phương Liệt |
Để đạt mục tiêu xây dựng nền giáo dục Thủ đô hiện đạ cần có những giải pháp mang tính thực tế, toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng với nhu cầu hiện nay. Là một giáo viên, tổng phụ trách Đội của một trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô bản tôi nhận thức sâu sắc rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục bắt đầu từ các nhà trường. Vì thế, chùng ta cần có những giải pháp cụ thể.
Giải pháp đầu tiên chính là nâng cao hiệu quả quản lý. Đây là một khâu cực kỳ quan trọng nếu như không nói là yếu tố then chốt đảm bảo sự thành công cho cả tiến trình đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Vì vậy, phải nâng cao chất lượng công tác quản lý một cách toàn diện trong các nhà trường là việc làm cần thiết.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa nguồn lực tài chính là một trong những giải pháp cơ bản để đảm bảo nguồn lực vật chất cho việc nâng cao chất lượng GD&ĐT. Hiện nay với kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy thì việc đầu tư các thiết bị giáo dục trong giảng dạy là yếu tố cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Đặc biệt, nhằm góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục trong các nhà trường, hoạt động Đội, ngoại khoá cũng cần chú trọng. Vì thế, các nhà trường cần đổi mới nội dung, đa dạng về hình thức tổ chức loại hình hoạt động; nắm bắt tâm lý, nhu cầu, nguyện vọng của các em học sinh để có những hoạt động phù hợp với lứa tuổi. Các nhà trường cần lồng ghép buổi sinh hoạt dưới cờ và hoạt động trải nghiệm để trang bị kiến thức, kĩ năng, giáo dục toàn diện cho các em học sinh.