Đề nghị bảo vệ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp
Công văn của báo Tuổi trẻ Thủ đô nêu rõ: Chiều 7/6, hai phóng viên Nguyễn Trang và Bảo Anh đã tới trụ sở VsetGroup tại 107 Cộng Hòa, Phường 12, quận Tân Bình để liên hệ xác minh vụ việc liên quan đến Công ty CP Tập đoàn VsetGroup (VsetGroup).
Vì không gặp lãnh đạo nên phóng viên đã để lại nội dung làm việc và đề nghị Công ty VsetGroup phản hồi. Khoảng 30 phút sau phóng viên Nguyễn Trang đã nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ (05660236xx). Qua điện thoại, người này liên tục dùng lời lẽ thô tục chửi bới, dọa giết phóng viên rồi cúp máy. Sau đó, người này vẫn tiếp tục nhắn tin chửi bới, dọa chém phóng viên.
Hành vi đe dọa của các đối tượng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, tạo tâm lý bất an, lo lắng cho các phóng viên, nhà báo.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phóng viên, nhà báo theo quy định của pháp luật hiện hành, Ban Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô kính đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra xử lý nghiêm các hành vi đe dọa, bảo vệ nhà báo tác nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cho hay: Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện tình trạng đe dọa đối với nhiều nhà báo trong quá trình làm việc hợp pháp hoặc xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp.
Đặc biệt, khi cơ quan báo chí phát hiện, điều tra, đưa thông tin về các vụ án lớn, hành vi tiêu cực liên quan đến nhiều nhóm lợi ích thì họ càng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro, bị cản trở khi tác nghiệp và thậm chí đe dọa, hành hung, trả thù. Hành vi đe dọa của các đối tượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và cuộc sống của các phóng viên, nhà báo, tạo tâm lý bất an đối với phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp trên địa bàn.
Theo khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí 2016, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; Phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Tuy nhiên, thực tế không ít cá nhân, tổ chức còn xem thường quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Vi Văn Diện, tại Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định rõ phạt tiền từ 70.000.000 đến 100.000.000 đồng đối với người có hành vi, lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, đối tượng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi đối với hành vi đã gây ra.
Tùy từng hành vi vi phạm và mức độ nghiêm trọng thì hành vi đe dọa giết đối với nhà báo hay người thân nhà báo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật với tội danh "Đe dọa giết người".
Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ khiến nạn nhân lo sợ sẽ bị thực hiện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, trường hợp đe dọa đối với 2 người trở lên hoặc đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì người đe dọa có thể nhận mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Đối với một số nhà báo làm việc theo chế độ viên chức thì họ cũng là một trong những người thi hành công vụ.
“Vì phóng viên là người đang thi hành công vụ nên ngoài tội danh trên, cơ quan điều tra có thể truy tố các đối tượng theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội chống người thi hành công vụ. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Đối với tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”, Luật sư Vi Văn Diện nhấn mạnh.