Đề xuất tăng mức phạt tù với một số tội về môi trường, an toàn thực phẩm
Chính phủ trình Quốc hội bỏ án tử hình đối với 8 tội danh |
Các quy định trên nằm trong dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự mà Chính phủ trình Quốc hội sáng 20/5.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, bố cục dự thảo bộ luật gồm 4 điều.
Trong đó, Điều 1 là sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (gồm sửa đổi, bổ sung 52 điều, trong đó, 18 điều luật liên quan đến việc thu hẹp hình phạt tử hình; 4 điều luật sửa đổi về nội dung; 2 điều luật sửa đổi để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức Công an cấp huyện và tên gọi của các bộ sau khi thực hiện phương án sáp nhập.
Các điều luật khác sửa đổi, điều chỉnh mức hình phạt tiền lên gấp đôi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội), một số tội danh về môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy nâng mức hình phạt tù để bảo đảm tính răn đe.
Điều 2 là sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; Điều 3 là hiệu lực thi hành và Điều 4 là điều khoản chuyển tiếp.
Đáng chú ý, dự thảo luật đề xuất nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế, như tội phạm về môi trường, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực thẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, ma tuý.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang |
Cụ thể, tăng mức hình phạt tù đối với một số tội: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235): Tăng mức hình phạt tù thành từ 2-3 năm tại khoản 1; tăng mức hình phạt khởi điểm thành từ 3 năm tại khoản 2; tăng mức hình phạt khởi điểm thành từ 5 năm tại khoản 3; Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236): Tăng mức hình phạt tù thành từ 2 - 3 năm tại khoản 1; tăng mức hình phạt khởi điểm thành từ 3 năm tại khoản 2.
Hạ mức định lượng trong cấu thành Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235): Hạ mức thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần xuống từ 3-5 lần; hạ mức thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường từ 3-5 lần xuống từ 2-3 lần tại các khung, khoản trong tội này. Tăng mức hình phạt tiền gấp 2 lần so với quy định hiện hành với các tội thuộc Chương các tội phạm về môi trường.
![]() |
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 20/5 |
Đối với tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, an toàn thực phẩm, nâng mức phạt tiền lên gấp 2 lần so với quy định hiện hành đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195), Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317).
Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317): Tăng mức khởi điểm hình phạt tù tại khoản 1 từ 1 năm thành 2 năm.
Về tội phạm ma túy, tăng mức khởi điểm hình phạt từ của Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) tại khoản 1 từ 1 năm thành 3 năm. Tăng mức khởi điểm hình phạt tù Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255) tại khoản 1 từ 2 năm thành 3 năm.
Bổ sung quy định Ketamine, Fentanyl là loại ma túy cùng với khoản có quy định về Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 trong các điều luật của Chương các tội phạm về ma túy.
Đặc biệt, dự thảo luật bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy. Cơ sở của việc này, theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, Chỉ thị số 36 ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp là "có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý". Kết luận số 132 ngày 18/3/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36 cũng đặt ra nhiệm vụ "khẩn trương nghiên cứu áp dụng chính sách hình sự nghiêm khắc hơn để giảm cầu ma tuý, chặn đứng mối quan hệ cung, cầu ma tuý".
Về tội phạm tham nhũng: Tăng mức hình phạt tiền gấp 2 so với quy định hiện hành đối với các tội danh thuộc Mục 1 (các tội phạm về tham nhũng) của Chương XXIII (các tội phạm về chức vụ).
Nêu quan điểm thẩm tra về đề xuất nâng mức hình phạt tù tại một số tội danh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành việc nâng mức hình phạt tù đối với một số tội phạm về môi trường, về ma túy và vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết minh, làm rõ hơn căn cứ để tăng mức hình phạt tù của các tội danh này để tăng tính thuyết phục; đồng thời, rà soát để bảo đảm hình phạt tù tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội tại từng điều luật.
Về nâng mức phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt bổ sung tại một số tội danh, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo Luật về nâng mức phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt bổ sung lên gấp 2 lần đối với một số tội danh cụ thể của Chương các tội phạm về môi trường, Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Gia Lâm đề xuất 4 trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động GPMB các dự án trọng điểm

Đề xuất tiếp tục cơ chế đặc thù 5 địa phương sau sáp nhập

Lấy ý kiến chuyên gia, nguyên lãnh đạo MTTQ sửa đổi Hiến pháp 2013

Tăng cường kiểm tra việc tiếp công dân, tránh khiếu kiện kéo dài

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Luôn ghi nhớ, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu

Sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam là tất yếu khách quan, phù hợp với thực tiễn

Tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng cho Nhà nước pháp quyền Việt Nam
