Đề xuất cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
Hội thảo “Cung cấp thông tin báo chí về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng” |
Sáng 23/7, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Cung cấp thông tin báo chí về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng” tại TP HCM.
Tại đây, những thông tin về nguồn gốc, tác hại, các hình thức quảng cáo, tiếp cận của giới trẻ với các sản phẩm thuốc lá mới như điện thử (TLĐT) và thuốc là nung nóng (TLNN) đều được cung cấp đầy đủ. Đặc biệt, buổi hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến về việc đề xuất cấm hoàn toàn việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá mới nói trên.
Hiện nay đang có quan điểm sai lệch về công dụng, khả năng cai nghiện của các sản phẩm thuốc lá mới đã được đính chính và làm rõ tại buổi hội thảo này. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng cho thấy TLĐT giúp cai thuốc. Ngược lại, bằng chứng từ các nước cho thấy, người sử dụng TLĐT, TLNN có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả hai loại trên.
Thậm chí, các sản phẩm thuốc lá mới cũng có tác hại gần như tương tự với thuốc lá điếu thông thường. TLĐT hay TLNN vẫn chứa các chất độc hại như nicotine, kim loại, formaldehyde…
Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ WHO tại Việt Nam cho biết, trong TLĐT có tới 15.000 loại hương vị, nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy, người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh. Ngoài ra, người dùng còn có nguy cơ chấn thương nghiêm trọng do cháy nổ pin…
Các chuyên gia đều cho rằng, điều quan ngại và nguy hiểm nhất hiện nay đó là các sản phẩm thuốc lá mới đều nhắm vào đối tượng người trẻ. Các nhà sản xuất các loại thuốc lá mới hầu hết đều sử dụng những hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng giới trẻ, cùng với việc bán hàng qua mạng (app điện thoại, quảng cáo và mua bán trên internet) đều là những hình thức giới trẻ ưa chuộng.
Tràn lan các group (nhóm) trao đổi mua bán TLĐT trên mạng xã hội Facebook, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất kiểm soát lượng người hút mới, đặc biệt là giới trẻ tại Việt Nam |
Theo nghiên cứu của 13 quốc gia Đông Âu cho thấy, 2,6% thanh thiếu niên không hút thuốc lá đã từng thử hút TLĐT ít nhất 3 lần. Tương tự, một nghiên cứu của Hàn Quốc cũng báo cáo rằng, 9,5% thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng đã sử dụng TLĐT thường xuyên (nhiều hơn 10 lần mỗi tháng), trong đó 3,3% sử dụng mỗi ngày.
Thêm vào đó, hai điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh (GATS) năm 2014 và 2018 cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT trong nhóm 13 - 15 tuổi ở các quốc gia Châu Âu đều tăng nhanh ở cả nam và nữ.
Tính riêng ở Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng TLĐT tăng lên 2,6% vào năm 2019.
Chính vì vậy, ông Đào Thế Sơn, đại diện Liên minh phòng chống lao và bệnh phổi có kiến nghị không nên cho sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh TLĐT và TLNN tại Việt Nam. Đồng thời, ông Sơn cũng đưa ra cảnh báo về dịch bệnh kép khi để mất kiểm soát tỷ lệ người hút TLĐT và TLNN.
Đồng quan điểm trên, đại diện Quỹ phòng chống thuốc lá cũng cho rằng cần phải cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua sắm, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm thuốc là mới này.
Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm cũng cho rằng, việc lưu hành trên thị trường các sản phẩm thuốc lá mới là không phù hợp với các nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá và mục tiêu về giảm nguồn cung thuốc lá theo quy định của Luật và Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Ngoài ra, bác sĩ Lâm còn nhấn mạnh, các sản phẩm thuốc lá mới không giúp cải nghiện thuốc lá. Nếu muốn cai chúng thì người hút cần sử dụng các biện pháp an toàn và hiệu quả theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế thay vì tìm kiếm những sản phẩm phụ thuộc nicotine khác.