Đề xuất phương án hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần
Ba phương án hưởng bảo hiểm xã hội
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất 3 phương án liên quan tới quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đây là điểm mới so với dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến trước đó (bổ sung thêm 1 phương án về sửa đổi liên quan chính sách này). Đáng chú ý, đề xuất mới nhất là người tham gia bảo hiểm xã hội khi luật có hiệu lực sẽ không được hưởng rút một lần.
Cụ thể, phương án 1, người lao động sau khi nghỉ việc 12 tháng không tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, thời gian đóng BHXH dưới 20 năm được hưởng BHXH một lần (như quy định hiện hành).
Phương án 2, sau 12 tháng nghỉ việc, không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, thời gian đóng BHXH dưới 20 năm được hưởng BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% thời gian đã đóng quỹ hưu trí và tử tuất; Thời gian đã đóng BHXH còn lại bảo lưu để đóng tiếp sau, hoặc hưởng các chế độ khi hết tuổi lao động.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung phương án để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. |
Phương án 3, không áp dụng chế độ BHXH một lần với người tham gia mới sau khi luật này có hiệu lực (dự kiến từ sau ngày 1/1/2025). Phương án cuối này theo hướng người đã và đang tham gia BHXH vẫn được hưởng chế độ BHXH một lần (hơn 17,5 triệu người đang tham gia), còn người mới tham gia khi luật mới có hiệu lực sẽ không còn áp dụng chế độ BHXH một lần.
Khi cho ý kiến vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi, các thành viên Chính phủ cho rằng, vấn đề BHXH một lần khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội, nên đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội. Bên cạnh đó, cũng cần thể hiện quan điểm, căn cứ lựa chọn phương án cụ thể, nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian tham gia BHXH để có lương hưu thay vì rút một lần.
Trên cơ sở 3 phương án đưa ra và ý kiến của thành viên Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổng hợp, xây dựng 2 phương án về BHXH một lần và tiếp tục báo cáo xin ý kiến Chính phủ.
Cụ thể, phương án 1, người đã và đang tham gia BHXH trước khi luật mới có hiệu lực vẫn được hưởng BHXH một lần, người tham gia từ thời điểm luật mới có hiệu lực sẽ không còn được hưởng chế độ này. Phương án 2, sau 12 tháng nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH được hưởng một lần nhưng không quá 50% thời gian đóng, thời gian đóng còn lại bảo lưu.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất, với phương án 1, chia nhóm tham gia BHXH thành 2 theo mốc luật sửa đổi có hiệu lực (trước và sau).
Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến trước ngày 1/1/2025), sau 12 tháng nghỉ việc không tiếp tục tham gia sẽ được nhận BHXH một lần (như quy định hiện hành) hoặc bảo lưu.
Nếu người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH (không hưởng một lần), sẽ được quyền hưởng thêm 5 quyền lợi, gồm: Đóng BHXH tối thiểu 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận lương hưu hằng tháng (thay vì đóng tối thiểu 20 năm); Tới tuổi nghỉ hưu không đủ điều kiện nhận lương hưu sẽ được chọn nhận trợ cấp hằng tháng theo thời gian đã đóng BHXH và được tham gia bảo hiểm y tế miễn phí trong thời gian nhận trợ cấp do ngân sách đóng.
Người dân làm thủ tục nhận BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức. Ảnh: Duyên Phan |
Người lao động được tham gia bảo hiểm y tế do quỹ BHXH đóng thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH đang bảo lưu; Khi chưa tìm được việc làm mới, người lao động không nhận BHXH một lần, được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Trường hợp người lao động chọn nhận BHXH một lần sẽ không được nhận 5 quyền lợi bổ sung kể trên.
Nhóm 2, với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/1/2025) không được nhận BHXH một lần, trừ trường hợp tới tuổi nghỉ hưu chưa đủ điều kiện nhận lương hưu, ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phân tích, với phương án chia thành 2 nhóm như trên, sẽ từng bước khắc phục được tình trạng rút BHXH một lần. Thực tế, thời gian qua, có tới gần 99% người nhận BHXH một lần là sau 12 tháng nghỉ việc, nên phương án này sẽ giảm dần người nhận BHXH một lần theo từng năm, đặc biệt từ năm thứ 5 khi luật có hiệu lực trở đi. Từng bước hướng tới an sinh xã hội khi về già, trong dài hạn phương án này tối ưu, cũng ít gặp phản ứng của người lao động.
Tuy nhiên, phương án trên cũng có nhược điểm là với 17,5 triệu người đang tham gia BHXH vẫn có quyền được hưởng BHXH một lần, nên số người hưởng BHXH một lần sẽ chưa giảm nhiều những năm đầu luật mới có hiệu lực. Bên cạnh đó, phương án này cũng tạo sự so sánh giữa người tham gia trước và sau khi luật sửa đổi có hiệu lực.
Đảm bảo quyền lợi của người lao động
Phương án 2 về sửa quy định BHXH một lần, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất, sau 12 tháng nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH được hưởng BHXH một lần, nhưng tối đa không quá 50% thời gian đóng. Thời gian đóng còn lại bảo lưu tới khi hết tuổi lao động để hưởng các quyền lợi khác hoặc đóng nối về sau. Đây cũng là giải pháp đưa ra trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã được cơ quan soạn thảo gửi lấy ý kiến toàn dân thời gian qua.
Người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt hơn chờ nhận lương hưu |
Giải pháp này, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đảm bảo hài hoà quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện nay nhưng khi hưởng BHXH một lần cũng không hoàn toàn rời khỏi hệ thống, do vẫn còn 1/2 thời gian đã đóng được bảo lưu. Sau đó, khi có việc làm và thu nhập, người lao động có thể đóng nối tiếp vào phần đang bảo lưu để hưởng chế độ cao hơn, hoặc tới khi hết tuổi lao động sẽ nhận các quyền lợi khác; tạo động lực cho người lao động tiếp tục đóng BHXH để có lương hưu.
“Đây là phương án vừa đáp ứng nhu cầu nhận BHXH một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, tránh gây phản ứng xã hội, vừa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống BHXH và quyền lợi của người lao động trong dài hạn”, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá.
Tuy nhiên, phương án 2 này cũng được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ ra nhược điểm, là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần; Người lao động có cảm giác giảm quyền lợi do không được rút hết BHXH một lần. Bên cạnh đó, sửa đổi này cũng có thể làm gia tăng người nhận BHXH một lần trước khi luật có hiệu lực (hưởng “chạy luật”); việc hưởng BHXH một lần khi còn trẻ sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
Do chính sách BHXH một lần hết sức nhạy cảm, phức tạp, nên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với cả 2 phương án trên.