Hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động bị nợ, trốn đóng BHXH
Cần thiết phải đảm bảo quyền lợi của người lao động
Hội thảo đã cung cấp các thông tin phản ảnh toàn diện thực trạng việc nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người loa động. Đồng thời, nâng cao hiểu biết cho người lao động về các quy định của pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi tham gia các quan hệ lao động và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Dự Hội thảo có ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo hai cơ quan báo chí, các chuyên gia, luật sư, đặc biệt, có sự tham dự của đại diện người lao động và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết: Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Trong 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song chính sách an sinh xã hội luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước.
Thời gian vừa qua đã có nhiều vi phạm, tội phạm phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung, đặc biệt là bảo hiểm xã hội vì động cơ vụ lợi, với số tiền vi phạm như trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt… lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhân dân.
Đặc biệt, việc trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã tác động, ảnh hưởng đến số lượng lớn người lao động, gây thất thu đối với quỹ bảo hiểm, khiến an sinh xã hội không được bảo đảm, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chính sách về bảo hiểm xã hội, buổi Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc” sẽ tiếp tục cảnh báo, nhận diện, đánh giá chính xác, đầy đủ về tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện nay để từ đó có những kiến nghị, đề xuất khoa học nhằm khắc phục tình trạng này.
Chị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc phân xưởng may, Nhà máy Dệt kim Haprosimex phát biểu tại hội thảo |
Là một trong số những người lao động bị ảnh hưởng về quyền lợi khi công ty nợ lương, nợ BHXH, chị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc phân xưởng may, Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex) chia sẻ tại Hội thảo: Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương từ tháng 1/2017 và nợ BHXH từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 anh chị em công nhân. Tính đến trước tháng 3.2023, số tiền Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ BHXH của người lao động là hơn 15 tỉ đồng.
Trong 6 năm ròng rã, người lao động đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là: “Doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động”. Do bị nợ BHXH, BHYT nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, người lao động đã làm đơn kêu cứu đến nhiều nơi, nhưng vô vọng. Sau hàng chục lần đi đòi quyền lợi không được, người lao động đã phản ánh sự việc với Báo Lao Động và các cơ quan báo chí khác. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền nợ đọng BHXH của người lao động - hơn 15 tỉ đồng; Phía cơ quan BHXH thành phố Hà Nội đã tiến hành chốt sổ BHXH cho gần 100 người lao động còn lại của Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex để đảm bảo quyền lợi cho họ…
Tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm
Trình bày tham luận "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị nợ BHXH bắt buộc" tại hội thảo, ông Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho hay: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định có 2 đối tượng phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là người sử dụng lao động và người lao động.
Tuy nhiên, vì nghĩa vụ của người sử dụng lao động là lập hồ sơ gửi đến cơ quan bảo hiểm, thực hiện việc đóng bảo hiểm theo mức quy định đối với người sử dụng lao động, đồng thời thay mặt người lao động đóng phần của họ bằng cách trích từ tiền lương của người lao động nên Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động dường như hướng tới chủ thể chính là người sử dụng lao động.
Ông Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phát biểu tại hội thảo |
Ông Quang cũng chỉ ra nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều này. “Như vậy, có thể thấy rằng, về cơ bản, khi người sử dụng lao động và người lao động giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thì sẽ phải có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nếu các bên không thực hiện nghĩa vụ này thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Quang khẳng định.
Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm nhưng khi được phát hiện, yêu cầu hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp thực hiện việc khắc phục nên cũng không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Mặc dù đã có các quy định của pháp luật nhưng trên thực tế, việc khởi tố, truy tố, xét xử những vụ án theo Điều luật này còn gặp nhiều khó khăn do không có đủ yếu tố cấu thành tội phạm như đã nêu trên”, ông Quang thông tin.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của hai Tổng Biên tập Báo Lao Động và Báo Bảo vệ pháp luật. Hội thảo được tổ chức trong thời điểm ý nghĩa khi sắp đến ngày truyền thống của 2 ngành và Chính phủ đang hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu kết luận hội thảo |
Ông Hiểu nhận định, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Không chỉ vậy, tình trạng này còn gây ra sự bất công, không công bằng giữa các doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mặc dù hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng BHXH nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất nên dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ BHXH gia tăng và diễn biến phức tạp.
Ông Hiểu cho biết, Hội thảo đã gợi ý nhiều giải pháp để hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động, trong đó có giải pháp về chính sách pháp luật. Có ý kiến đề xuất mở rộng chủ thể khởi kiện là cơ quan BHXH. Cùng với đó, tiếp tục trao quyền khởi kiện cho công đoàn nhưng không cần phải quy định về uỷ quyền của người lao động đối với công đoàn, vì công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động.
Ông Hiểu kiến nghị thiết chế hành lang pháp lý để giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội hiện tại; Đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quan tâm, có tiếng nói trong quá trình xây dựng pháp luật, kể cả ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, ông Hiểu đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm.