Đến ngày 15/10, mới có 11/106 nhà máy điện gió được công nhận COD
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong số 106 nhà máy điện gió đăng ký, tính đến ngày 15/10, có 11 nhà máy điện gió đã được công nhận vận hành thương mại (COD).
Theo thông tin cập nhật, từ ngày 1/10 đến ngày 15/10 đã có thêm 5 nhà máy điện gió được công nhận COD gồm: Phương Mai 1 (24,00MW), Hướng Tân (46,20MW), Tân Linh (46,20MW), Nhơn Hòa 1 (25,20MW) và Nhơn Hòa 2 (29,00MW).
Như vậy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5655,5MW đăng ký thử nghiệm thì đến 15/10 mới chỉ có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 443MW đã được công nhận COD.
Ảnh minh họa |
Trước đó, ngày 14/10, EVN đã có văn bản gửi Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (EVNNLDC) và Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) về việc công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và vận hành các dự án nhà máy điện gió.
Theo đó, EVN yêu cầu EVNEPTC thực hiện công nhận COD các dự án nhà máy điện gió theo đúng các điều kiện tại hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký.
Đối với các dự án chưa có “văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng,” EVN ủy quyền cho EVN EPTC thực hiện đàm phán hợp đồng sửa đổi bổ sung theo quy định; trong đó bổ sung cam kết của bên bán điện.
Cụ thể, bên bán điện cam kết tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình (bao gồm cả việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Trường hợp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có ý kiến về việc bên bán điện chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, bên mua điện có quyền từ chối công nhận hoặc hủy bỏ công nhận COD, ngừng mua điện và yêu cầu bên bán điện hoàn trả toàn bộ tiền điện mà bên mua điện đã thanh toán cho bên bán điện tính từ ngày COD, bao gồm cả tiền lãi (nếu có).
Đồng thời, bên bán điện cam kết thực hiện theo ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và hoàn trả cho bên mua điện toàn bộ tiền điện mà bên mua điện đã thanh toán, tính từ ngày COD, bao gồm cả tiền lãi (nếu có).
Bên cạnh đó, bên bán điện cam kết tuân thủ, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nếu xảy ra trường hợp nêu trên.
Đối với các hợp đồng sửa đổi bổ sung chỉ bổ sung cam kết của bên bán điện như đã nêu trên, EVN giao EVNEPTC đàm phán, ký kết và thực hiện.
Với EVNNLDC, EVN yêu cầu đơn vị chỉ đưa dự án nhà máy điện gió vào vận hành sau khi đã được công nhận COD và có “văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng”.