Địa chỉ đỏ bên "lá phổi xanh"
Lưu giữ kỷ niệm về Bác
Cuối tháng 8 năm 1945, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội để hoàn thiện bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam.
Ít ai biết rằng, nơi đặt chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về đến Hà Nội là một bến đò Xù (thuộc làng Phú Xứ, tức là phường Phú Thượng hiện nay) - nơi được coi là "An toàn khu" của Trung ương Đảng những ngày tiền khởi nghĩa. Trong rất nhiều năm, hình ảnh cây gạo cổ thụ tại bến đò Xù từng một thời là biểu tượng của cách mạng bên sông Hồng.
Đình Phú Xá - nơi đón Bác trở về từ Việt Bắc năm 1945 |
Theo sách xưa ghi lại, mùa Thu năm 1749, cụ Nghè Nguyễn Kiều là chồng của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm quan trong triều Lê - Trịnh đã cùng nhân dân khởi công xây dựng đình làng, đến mùa hạ năm Canh Ngọ 1750 đình làng được khánh thành. Năm 1751, cụ Nguyễn Kiều trồng cây gạo kỷ niệm ở phía Bắc đình làng cạnh bờ sông Hồng và giáp ranh với làng Phú Gia.
Những năm 1930, cây gạo này có thân to cao, tán rộng xum xuê. Đến mùa hoa nở, cả thân cây trông như một cái nấm tròn, đỏ rực rỡ. Đứng từ rất xa như đi trên cầu Long Biên hay từ phía đê bên làng Hải Bối, Đông Anh cũng nhìn thấy.
Đây là cây gạo cao to nhất bên bờ Nam sông Hồng đi từ Thủ đô Hà Nội đến thị xã Sơn Tây. Vì vậy, từ những năm 1941-1945, khi Phú Xá trở thành cơ sở cách mạng là An toàn khu (ATK) của Trung ương thì cây gạo và bến đò Phú Xá trở thành đầu mối giao thông liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam những năm 1941-1945. Đây cũng là nơi gặp gỡ của cán bộ giao thông Trung ương với cán bộ các Xứ ủy, là nơi đặt ám hiệu “yên” hay “nguy” để cán bộ qua lại được biết.
Ông Nguyễn Quốc Thiện (Phó Ban quản lý đình làng Phú Xá) ôn lại kỷ niệm Bác Hồ với làng Phú Xá |
Khi toàn quốc kháng chiến thì cây gạo và bến đò Phú Xá trở thành đầu mối giao thông liên lạc của cơ sở kháng chiến phia Bắc Thủ đô, là nơi vận chuyển tài liệu và cán bộ ở vùng tự do về vùng địch hậu đảm bảo an toàn cho đến ngày Giải phóng Thủ đô.
Có lẽ, sự an toàn và trung kiên của Phú Xá là lý do lớn khiến ngày 23/8/1945, Phú Xá vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau nhiều năm bôn ba hải ngoại đã từ chiến khu Việt Bắc, qua sông Hồng vào bến đò Phú Xá (Bến đò Xù) về Hà Nội.
Ông Nguyễn Quốc Thiện (Phó Ban quản lý đình làng Phú Xá) bồi hồi kể: "Mùa Thu năm 1945, tuy nước sông Hồng lên to nhưng thuyền bè vẫn tấp nập xuôi ngược trên sông. Trên bến đò Phú Xá, một số tự vệ và cán bộ địa phương nhận lệnh của cấp trên ra bến đò Phú Xá đón đoàn cán bộ cao cấp của Đảng từ chiến khu Việt Bắc trở về.
Khoảng 13 giờ, một chiếc thuyền đinh to có mui cập bến. Đoàn cán bộ lên bờ, mọi người dồn cặp mắt về phía một ông cụ mặc bộ quần áo nâu. Nước da ngăm đen, râu dài, người gầy, tay chống gậy. Cụ có vầng trán cao, đôi mắt sáng, Dáng đi nhanh nhẹn. Mọi người không biết đích xác cụ là ai nhưng thấy có một cán bộ Việt Minh mang súng đi bảo vệ, nên đoán cụ là cán bộ cao cấp được Trung ương cử về. Sau này mới biết đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Phát huy tinh thần Cách mạng
Từ bến đò, Bác và đoàn cán bộ đến nghỉ tại ngôi đình làng Phú Xá. Tại đây, Bác đã ăn cơm tối cùng lực lượng tự vệ Phú Xá, sau đó lên làng Phú Gia tạm nghỉ tại nhà cụ Nguyễn Thị An - một cơ sở cách mạng tin cậy.
Đầu năm 1959, do những thăng trầm lịch sử, đình Phú Xá bị phá bỏ hoàn toàn nhưng các cụ cao niên trong làng đã lưu giữ, bảo quản bài vị, đồ thờ tự của đình tại chùa Phúc Hoa. Tháng 12/2009, đình Phú Xá được phục dựng trên nền cũ với diện tích 500m2, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Ngày 1/10/2010, đình được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An tại phường Phú Thượng |
Một "địa chỉ đỏ" khác tại phường Phú Thượng là ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An - từ ngày 23 đến 25/8/1945, Bác Hồ từ Chiến khu Việt Bắc đã về nghỉ và làm việc tại đây, trước khi vào nội thành Hà Nội chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuối năm 1946, Bác Hồ cũng trở lại thăm ngôi nhà một lần nữa.
Kể về những ngày Bác Hồ từng nghỉ lại trong ngôi nhà của gia đình, nét mặt ông Công Ngọc Dũng ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) ánh lên niềm tự hào. Khi Bác Hồ về Phú Thượng, ông Dũng chưa được sinh ra. Từ những câu chuyện mà cha mẹ kể lại, ông Dũng đã thuộc lòng câu chuyện về Bác trong thời gian Người lưu lại gia đình ông. Ông và tất cả mọi người trong gia đình đều coi đó là niềm vinh dự mà mỗi thành viên trong gia đình mãi trân trọng, ghi nhớ.
Trong căn phòng treo những tấm bằng ghi công, những bức ảnh kỷ niệm, ông Công Ngọc Dũng tự hào cho biết những năm 1941-1945, gia đình ông thuộc diện khá giả của thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Gia đình ông lúc đó có nhiều thế hệ sinh sống và từng có người làm Chánh tổng nhưng được giác ngộ.
Bà nội ông Dũng là cụ Nguyễn Thị An và bố ông là Công Ngọc Kha đều đi theo cách mạng. Ông Công Ngọc Kha cũng là một trong năm đảng viên đầu tiên của xã Phú Thượng thời đó.
Căn nhà của gia đình cụ An lúc đó trở thành địa chỉ hoạt động của cán bộ an toàn khu Phú Thượng và người đầu tiên đến ở, hoạt động là ông Hoàng Tùng, cán bộ an toàn khu Phú Thượng.
Chiều 23/8/1945, ông Hoàng Tùng thông báo với gia đình chiều nay nhà sẽ có khách. Vậy là cụ An, ông Kha và mọi người trong gia đình chuẩn bị đón tiếp dù không biết vị khách đó là ai.
Đến khoảng 5 giờ chiều, một cụ già người gầy, mắt sáng, tóc hoa râm, tay chống gậy tre, đeo túi cùng một đoàn 13 người đi vào nhà. Cụ ở lại đây trong hai ngày.
Tới ngày mùng 2/9/1945, mọi người trong gia đình cụ An lúc đó đi dự lễ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mới nhận ra vị khách hôm nào. Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập chính là Bác Hồ, đã từng nghỉ tại nhà mình.
Bác Hồ nghỉ tại đây từ ngày 23 đến 25/8/1945 |
Trong những ngày Bác nghỉ lại nhà cụ An, căn nhà thường dùng làm nơi tiếp khách của gia đình được dành riêng để Bác cùng các cán bộ nghỉ. Ông Công Ngọc Dũng được người thân trong gia đình kể lại rằng những ngày ở ngôi nhà của gia đình ông, Bác Hồ làm việc liên tục, đêm Bác cũng chỉ ngủ rất ít.
Buổi sáng, Người dạy sớm, ra bờ ao tập thể dục rồi tiếp tục vào làm việc. Cụ Nguyễn Thị An lúc đó đã gác mọi công việc để phục vụ Bác và những người trong đoàn, tất cả những đồ ăn ngon trong gia đình cụ đều mang ra đãi khách.
Ngày 25/8/1945, Bác vẫn dậy sớm tập thể dục rồi gọi con trai cụ An là ông Công Ngọc Kha tới hỏi chuyện. Bác đã hỏi ông Kha làm nghề gì, gia đình có mấy người. Hỏi chuyện xong, Bác Hồ còn bế con gái ông Kha là Công Thị Minh lên nựng rồi dạy bé hát. Sau đó, Người lại tiếp tục làm việc.
Trong thời gian Bác ở tại nhà cụ Nguyễn Thị An, rất nhiều người đến gặp Bác để bàn bạc công việc. Mãi sau này cụ An mới biết Bác đã làm việc với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng trước khi vào nội thành. Bác đã nghe báo cáo về kết quả tổng khởi nghĩa trong cả nước và bàn việc chuẩn bị ra mắt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hà Nội cùng với các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh...
Chiều 25/8/1945, Bác Hồ gọi ông Công Ngọc Kha lại và đề nghị được gặp ông cụ để cảm ơn gia đình đã chăm lo trong mấy ngày vừa qua. Rồi Bác chào mọi người trong gia đình để vào nội thành và có dặn lại: “Sau này sẽ có ngày tôi về thăm gia đình.”
Năm 1996, căn nhà ba gian hai chái (xây dựng năm 1929) của gia đình ông Công Ngọc Dũng được thành phố Hà Nội chuyển thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Với niềm tự hào và lòng kính yêu Bác, gia đình ông Công Ngọc Dũng đề xuất và được thành phố giao cho quản lý, trông coi ngôi nhà này.
Đến năm 2013, di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Phú Thượng được chuyển từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) về quận Tây Hồ quản lý. Đến năm 2015, ông Công Ngọc Dũng bắt đầu được bồi dưỡng một chút tiền thù lao, nhưng với ông, quan trọng hơn cả là hàng ngày được gắn bó, trông nom ngôi nhà.
Ngày 23/8/2022, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An.
Tại ngôi nhà này, gia đình ông Dũng còn được đón rất nhiều lãnh đạo Trung ương và Hà Nội như đồng chí Trần Đăng Ninh, Trường Trinh, Đỗ Mười, Võ Chí Công, Lê Đức Anh và nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Phú Trọng.
Trách nhiệm trông coi ngôi nhà không chỉ có thế hệ ông Dũng mà các con cháu của ông sau này cũng phải đảm trách, vì đó là niềm tự hào, vinh dự của cả gia đình, ông Công Ngọc Dũng khẳng định như vậy