Địa phương đầu tiên ban hành khung năng lực số cho công dân
Gần 4,8 triệu lượt thanh thiếu nhi, người dân được hỗ trợ nâng cao năng lực số Giúp thanh niên nâng cao “năng lực số” Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên Việt Nam |
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành khung năng lực công dân số |
Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố vừa ra quyết định ban hành “Khung năng lực số cho công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Nhằm sớm hình thành công dân số và thúc đẩy triển khai chuyển đổi số, Đà Nẵng vừa triển khai áp dụng khung năng lực số cho công dân.
Đây là cơ sở để cơ quan, địa phương triển khai tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số, áp dụng các chính sách, giải pháp, hỗ trợ trang bị công cụ số cần thiết cho người dân.
Bên cạnh việc chọn tham khảo chủ yếu từ khung năng lực số DigComp của Ủy ban châu Âu, khung năng lực số cho công dân Đà Nẵng cũng được xây dựng trên cơ sở chọn lọc các nhóm lĩnh vực, tiêu chí cụ thể của từng năng lực số phù hợp với thực tế Đà Nẵng.
Cụ thể, khung năng lực số cho người dân Đà Nẵng gồm 5 lĩnh vực: Thông tin và dữ liệu, truyền thông và cộng tác, tạo lập nội dung số, bảo vệ và an toàn, môi trường kỹ thuật số, với tổng số 17 năng lực số thành phần, 173 tiêu chí đánh giá.
Theo đó, mỗi năng lực số thành phần trong khung năng lực số cho người dân Đà Nẵng được mô tả cụ thể với các tiêu chí về kiến thức, kỹ năng, thái độ và được đánh giá theo 5 mức độ, 4 thông thạo với thang 100 điểm: Bắt đầu (dưới 20 điểm), cơ bản (từ 20-40 điểm), khá (từ 40-60 điểm), cao (từ 60-80 điểm) và nâng cao (từ 80 điểm trở lên).
Hướng dẫn các tiểu thương cách quảng bá sản phẩm và cài mã QR thanh toán không dùng tiền mặt, đây là bước chuyển đổi số dễ nhìn thấy nhất tại Đà Nẵng (Ảnh Đ.Minh) |
Được biết, khung năng lực số cho công dân là tập hợp các tiêu chí cụ thể về kiến thức (knowledge), kỹ năng (skills) và thái độ (attitudes) của các nhóm năng lực số, giúp người dân tham gia chủ động và an toàn trong các hoạt động trên môi trường số.
Khung năng lực số sẽ áp dụng cho toàn bộ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố. Trong quá trình triển khai, sẽ cập nhật, điều chỉnh, bổ sung khi có phát sinh, thay đổi trong quá trình sử dụng thực tế.
Theo UBND TP Đà Nẵng, việc ban hành khung năng lực số cho công dân trên địa bàn nhằm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025.
Cụ thể, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng xác định “người dân, doanh nghiệp” là trung tâm của triển khai chuyển đổi số và mục tiêu là “hình thành công dân số”. Công dân số là yếu tố then chốt và quyết định thành công trong triển khai 3 trụ cột chuyển đổi số: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Cấu trúc của Khung năng lực số cho công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Sở TT&TT) |
Để trở thành công dân số, mỗi cá nhân cần có năng lực số, kỹ năng số để phục vụ đời sống, làm việc, trong các quan hệ giao tiếp và hoạt động kinh tế - xã hội. Năng lực số là khả năng hiểu biết, truy cập, sử dụng, tạo ra thông tin số một cách an toàn và phù hợp thông qua các ứng dụng, công cụ kỹ thuật số nhằm phục vụ trong công việc và cuộc sống hàng ngày của người dân.
Ngoài ra, khung năng lực số cho công dân là cơ sở để cơ quan, địa phương xây dựng và triển khai tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số cho người dân hiệu quả hơn; áp dụng các chính sách, giải pháp, hỗ trợ trang bị công cụ số cần thiết cho người dân, đặc biệt là triển khai các ứng dụng, hệ thống chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân…góp phần thúc đẩy triển khai thành công chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.