Dịch vụ cho vay FastMoney trên ví điện tử MoMo với lãi suất thực lên đến 60%/năm
Dịch vụ "đặt 1 ăn 70" của ví điện tử MoMo: Cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật |
Lãi suất "khủng"
"Vay nhanh - FastMoney" được giới thiệu là dịch vụ tài chính hiện đại cung cấp sản phẩm cho vay tiêu dùng. FastMoney được phát triển bởi Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance), kết hợp với công ty cung cấp dịch vụ Amber Fintech, trong đó, MoMo là giải pháp chi hộ/thu hộ.
Quảng cáo dịch vụ Vay nhanh - FastMoney |
Hiện tại, FastMoney đang cấp hạn mức từ 5 đến 20 triệu đồng, tùy theo nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Trải nghiệm sử dụng cho thấy, các bước để kích hoạt khoản vay FastMoney tương đối đơn giản (chỉ cần đã xác thực trên ví MoMo). Thậm chí, ngay chính MoMo còn liên tục quảng cáo là thủ tục đơn giản, “duyệt nhanh trong 2 phút”, “nhận giải ngân về Ví MoMo ngay sau khi được duyệt vay”…
Khoản vay 15 triệu trong vòng 12 tháng thực trả đến hơn 24 triệu |
Theo thông tin trên Ví Momo thể hiện, đối với khoản vay 15 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng, sau khi đến hạn thanh toán khách hàng sẽ phải trả tổng số tiền hơn 24 triệu đồng (tức khoảng 60% khoảng vay). Chưa kể, trong trường hợp khách hàng thanh toán quá hạn sẽ bị FastMoney tính lãi suất là 67,5%/năm.
Cân nhắc kĩ tránh rủi ro
Theo nhận định của một chuyên gia pháp lý, căn cứ khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định lãi suất vay sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, trường hợp luật khác có liên quan quy định khác thì lãi suất cho vay sẽ thực hiện theo quy định đó.
Trong khi đó, tại khoản 4, Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định: "Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính; Công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác". Do vậy, công ty tài chính không chỉ phải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015 mà còn chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản khác có liên quan.
Chính việc pháp luật hiện hành chưa có quy định về mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng với các công ty tài chính. Cụ thể, nếu mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính không bị Ngân hàng Nhà nước phản đối thì họ được quyền áp dụng. Đồng nghĩa việc áp dụng mức lãi suất của các công ty tài chính có thể cao hơn 20%/năm.
"Do đó, việc cho vay hay xử lý phạt khi tất toán trước hạn chỉ bị xem là trái pháp luật khi họ không được sự chấp thuận hay có sự phản đối từ Ngân hàng Nhà nước", vị chuyên gia cho biết.
Thông tin về lãi suất vay nhanh FastMoney |
Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng, Luật sư điều hành Công ty Luật Long Phan PMT (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) đưa ra cảnh báo, trước khi vay tiền trên bất cứ các nền tảng online nào, người dùng cần phải tìm hiểu và cân nhắc kĩ càng về mức lãi suất thực trả mà phía bên cho vay đưa ra, để tránh trường hợp mất khả năng thanh toán, lãi mẹ đẻ lãi con...
MoMo là một nền tảng ví điện tử do Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) phát triển, cho phép người dùng thực hiện các thanh toán, giao dịch trên các thiết bị di động; Địa chỉ trụ sở đặt tại Lầu 6, Toà nhà Phú Mỹ Hưng, Số 8 Hoàng Văn Thái, Khu phố 1, hường Tân Phú, Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Thông qua việc hợp tác với hơn 90% ngân hàng tại Việt Nam cùng 10.000 thương nhân trong nước, công ty này nắm giữ hơn 80% thị phần trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số. Tính đến năm 2022, ví điện tử MoMo có hơn 31 triệu người dùng sử dụng. |