“Điểm tựa” của người lao động
Chia sẻ gánh nặng
Công tác giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động luôn được cơ quan BHXH thành phố Hà Nội đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng người, đúng quy định.
Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2024, BHXH thành phố Hà Nội đã giải quyết 139.286 lượt người hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Người dân làm thủ tục tại cơ quan BHXH TP Hà Nội |
Dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người lao động.
Khi không may bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp phải nghỉ làm hay không may mất việc, hầu hết người lao động không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo “gánh nặng” tài chính cho cả gia đình.
Vì vậy, nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là người lao động và thân nhân trước những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đóng góp vào quỹ.
Anh Nguyễn Văn Thủy (ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), công nhân tại công ty xây dựng công nghiệp Khu công nghiệp Nội Bài chia sẻ: Năm 2022, tôi gặp tai nạn lao động với tỷ lệ tổn thương khoảng 6% và phải nghỉ làm mất một tháng để điều trị tại bệnh viện.
Khi đó, tôi được BHXH chi trả số tiền là 44 triệu đồng, tương đương với khoảng 4 - 5 tháng lương của tôi. Trong hơn một tháng nghỉ việc ở nhà điều trị, số tiền này đã hỗ trợ tôi và gia đình rất nhiều trong sinh hoạt, thuốc men điều trị. Tuy gặp tai nạn lao động không may nhưng tôi đã được hỗ trợ nhờ các chế độ của BHXH”.
Từng bước đổi mới
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 1 triệu người cao tuổi, chiếm 13% dân số. Do đã hết tuổi lao động, sức khỏe giảm dần, nên đây là nhóm đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt.
Đại diện BHXH thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2023, số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội đạt hơn 53%, vượt chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu năm 2023 có từ 49% đến 51%).
BHXH quận Long Biên tuyên truyền, vận động người dân thụ hưởng chế độ lương hưu qua tài khoản ngân hàng |
So với mục tiêu đề ra tại các chương trình, nghị quyết về an sinh xã hội của thành phố, đến cuối năm 2025, Hà Nội có ít nhất 55% số người sau tuổi nghỉ hưu có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hưu trí, xã hội hằng tháng, thì mục tiêu này đang dần cán đích.
Với mong muốn ai cũng có “điểm tựa” khi hết tuổi lao động, được sống an nhàn khi tuổi già, BHXH thành phố Hà Nội luôn nỗ lực tuyên truyền sâu rộng về chính sách BHXH để người lao động hiểu rõ tính ưu việt của chế độ hưu trí.
Hưu trí là chế độ rất quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc, bảo đảm nguồn thu nhập khi hết tuổi lao động. Về công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng an toàn, chính xác, đảm bảo đến người hưởng trước ngày 10 của tháng với 2 hình thức chi tiền mặt và qua tài khoản cá nhân.
Theo thống kê, 3 tháng đầu năm, BHXH thành phố đã chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng cho 594.013 người, số tiền 10.483 tỷ đồng.
Để nhiều người cao tuổi có cơ hội nhận về khoản tiền lương hằng tháng, năm 2024, BHXH thành phố Hà Nội cùng các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút người lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.
Nhóm đối tượng tập trung khai thác là lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc làm những công việc tự do, không theo chế độ hợp đồng lao động.
Bà Nguyễn Thị Lợi (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi về hưu đến nay được 18 năm. Thời điểm mới về hưu, mức lương của tôi chỉ có hơn 3,7 triệu đồng/tháng. Sau các lần Nhà nước điều chỉnh tăng lương thì đến nay lương hưu hiện tại đã gần 6 triệu đồng/tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng vẫn là khoản thu nhập ổn định để chăm lo bản thân lúc về già, không còn làm việc được nữa cũng không tạo gánh nặng cho con cái.
Mỗi người khi còn trẻ cố gắng tham gia đóng BHXH, đó là một chính sách tối ưu của Nhà nước, giúp chúng ta có nhiều quyền lợi và có điều kiện trang trải cuộc sống khi hết tuổi lao động. Việc tham gia đóng BHXH để có lương hưu là hết sức ý nghĩa và cần thiết đối với người cao tuổi”.