Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”
Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động của dự án “Phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” bằng nguồn lực xã hội hóa.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu khai mạc diễn đàn |
Với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của Báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, cuối năm 2019, dự án “Phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) khởi xướng đã chính thức khởi động.
Dự án Phát triển Báo chí Việt Nam được triển khai trong 5 năm, dự kiến sẽ mang lại lợi ích thiết thực đến gần 3.000 cán bộ, lãnh đạo báo chí, nhà báo cùng các đơn vị trên cả nước.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ TTTT, dự án sẽ do Cục Báo chí, Cục Phát thanh và Truyền hình và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông trực tiếp triển khai theo mô hình đào tạo nâng cao kiến thức về báo chí, truyền thông.
Tổng ngân sách đầu tư cho dự án khoảng 25 tỷ đồng, được huy động từ nguồn lực xã hội hóa với sự đồng hành của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), mong muốn chung tay cùng phát triển báo chí nước nhà.
Tham dự diễn đàn, có lãnh đạo Bộ TTTT, lãnh đạo các cơ quan quản lý về báo chí, an toàn thông tin, bản quyền, cùng đại diện các cơ quan báo, đài, tạp chí, các chuyên gia và doanh nghiệp.
Quang cảnh diễn đàn |
Tại diễn đàn, nhiều tham luận của đại diện các cơ quan báo chí, trang tin điện tử đã được trình bày rất thiết thực, hữu ích, như tham luận về quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động báo chí; Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí, vì sao? bao giờ? Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí; Một số vi phạm bản quyền báo chí và gợi ý giải pháp…
Diễn đàn đã chỉ rõ, thực tế hiện nay ở nước ta chưa có số liệu thống kê chính thức về tình hình vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam; Chưa có số liệu thống kê cụ thể về kết quả xử lý, chế tài vi phạm bản quyền báo chí; Hệ thống chế tài liên quan đến sở hữu trí tuệ có cả 3 cơ chế (dân sự, hình sự và hành chính) nhưng chưa rõ kết quả thực thi cụ thể tăng hay giảm trong những năm qua?...
Tiến sĩ Trịnh Tuấn Thành - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả trình bày tham luận tại diễn đàn |
Trong khi đó, đã và đang tồn tại thực trạng rất nhiều báo, trang tin điện tử, mạng xã hội… đã tự ý lấy tin, bài, sản phẩm của những đơn vị khác để đăng tải lại, phục vụ nhiều mục đích cho cá nhân và cơ quan, cũng như doanh nghiệp mình.
Đơn cử, trong năm 2020, đã có rất nhiều báo, đài đã bị “lấy cắp” thông tin bài viết, hình ảnh lên đến hàng ngàn trường hợp, thậm chí có báo đến hơn 16.000 trường hợp.
Ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ TP HCM trình bày tham luận "Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí, vì sao? bao giờ?" |
Đáng chú ý, như tình hình xử lý vi phạm bản quyền của Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, có 2 công ty đã phải bồi thường 500 triệu đồng vì tự ý khai thác phim “Bí thư Tỉnh ủy” và “Chạy án” của VTV; 2 nhà mạng lớn nhất của Việt Nam và một số cá nhân bị xử phạt 75 triệu đồng do phát “Sống chung mẹ chồng” và “Người phán xử”; Yêu cầu 3 công ty truyền thông bồi thường giá trị hơn 100 bản tin thời sự của VTV...
Đặc biệt, ngay đầu năm 2020, VTV cũng xử lý một công ty truyền thông và đòi bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do tự ý khai thác chương trình của VTV trên YouTube…
Một số đại biểu tham gia bàn tròn thảo luận tại diễn đàn |
Có thể nói, với chủ trương đầu tư cho công tác đào tạo, phát triển báo chí và sự tham gia của cộng đồng, nội dung và cách thức triển khai dự án sẽ được đổi mới tập trung giải quyết thách thức của thời đại đặt ra cho nền báo chí.
Bằng những nỗ lực này, hy vọng có thể giúp hàng nghìn cán bộ quản lý báo chí, phóng viên cả nước sẽ có thêm những kiến thức, chuyên môn hữu ích góp phần tích cực xây dựng nền báo chí Việt Nam phát triển, vươn cao và vươn tầm thế giới.