Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017
Đây là sự kiện bàn về giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam – tầm nhìn 2050 cũng như các khó khăn, thách thức trong việc phát triển ngành năng lượng với mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả và định hướng phát triển khoa học công nghệ để giải quyết các bài toán cấp bách của ngành năng lượng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam, Công ty Schneider Electric Việt Nam cùng đại diện các Bộ, Ban ngành và doanh nghiệp trên cả nước.
Toàn cảnh diễn đàn
Tham luận tại diễn đàn, đại diện Tập đoàn Dầu khí cho hay, trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn dự kiến sẽ khai thác khoảng 115-135 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó 65-80 triệu tấn dầu thô và 50-55 tỷ m3 khí. Tập đoàn dự kiến sẽ phát triển, đưa 15 mỏ/công trình mới vào hoạt động. Các mỏ mới dự kiến sẽ được đưa vào khai thác và phát triển phải kể tới: mỏ Cá Tầm, Sao Vàng – Đại Nguyệt, mỏ khí Cá Voi Xanh, dự án khí Tây Nam Bộ (Lô B) và mỏ dầu, khí-condensate Cá Rồng Đỏ.
Trong các khó khăn thách thức trong lĩnh vực khai thác dầu khí giai đoạn 2016-2020, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của Tập đoàn nêu trên chính là giá dầu thấp, sản lượng khai thác của một số mỏ đã bước vào giai đoạn suy giảm, ngoài ra phần lớn các mỏ/cấu tạo đưa vào vận hành khai thác trong giai đoạn này có trữ lượng nhỏ, chi phí đầu tư cao.
Nhiều đại biểu cũng nhận định dù có tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT), tuy nhiên, việc đầu tư cho phát triển NLTT ở Việt Nam lại chưa tương xứng với thế mạnh sẵn có. Việt Nam đang phải nhập khẩu năng lượng từ Trung Quốc và Lào. Với khả năng sản xuất hiện nay và tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì dự báo từ năm 2017 trở đi, cả nước sẽ thiếu hụt lớn nguồn năng lượng sơ cấp. Trong khi đó, các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn NLTT từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải...
Cụ thể, với gần 3.400 km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500 -1.000 kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó là nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW mỗi năm.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như bảo đảm đủ nguồn cung năng lượng, Việt Nam cần quy hoạch và hoạch định chiến lược năng lượng. Trong đó, hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và tăng việc sử dụng NLTT.
Tổng tiềm năng lượng sinh khối của Việt Nam khoảng 73 triệu tấn/năm, trong đó sinh khối từ nông - lâm - ngư nghiệp là 60 triệu tấn/năm và từ rác thải khoảng 13 triệu tấn/năm. Nếu tận dụng các nguồn sinh khối này để phát điện thì công suất điện ước tính có thể lên tới 5.000 MW.
Chia sẻ về vấn đề phát triển điện mặt trời lắp mái nối lưới tại Việt Nam, tác động của chính sách giá điện, VS.GS.TSKH. Trần Đình Long chỉ ra 3 vấn đề là cần có cơ chế trợ giá hợp lý (FIT); giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang hợp lý có tác động rất tích cực đến hiệu quả của điện mặt trời lắp mái nối lưới nhà ở tư nhân; giá theo thời điểm sử dụng TOU rất có lợi cho các công trình điện mặt trời lắp mái nối lưới của các tòa nhà công cộng.
Kết luận diễn đàn, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh, Nhà nước đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng bền vững nhưng hiệu quả rất thấp, cần truyền thông sâu rộng về tiết kiệm năng lượng. Hiện EVN đang chịu khó khăn do tần số không ổn định, vì vậy cần đưa công nghệ lưu điện vào ứng dụng nhanh chóng.