“Đoàn tàu không số” lập công xuất sắc chi viện chiến trường miền Nam
Ấn tượng bộ tem kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Ấn tượng cầu truyền hình hoành tráng mừng 50 năm thống nhất đất nước Gặp lại những con người đã làm nên lịch sử... |
Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 - vận tải quân sự đường biển, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Đến tháng 10/1963, Đoàn 759 được chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân và đến tháng 1/1964 đổi tên là Đoàn 125 Hải quân, hay còn gọi là “Đoàn tàu không số”.
![]() |
Chuyển hàng xuống tàu chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh: Tư liệu) |
Tất cả vì miền Nam ruột thịt
Sau khi được thành lập, Đoàn 125 Hải quân thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển trong điều kiện địch thường xuyên kiểm soát, ngăn chặn, phong tỏa gắt gao và đánh phá ác liệt các tuyến vận tải chi viện của ta.
Theo đó, chúng theo dõi, giám sát, khống chế các tàu của ta trong suốt hành trình khi còn đang ở vùng biển quốc tế, thậm chí từ khi bắt đầu xuất phát ở Hải Nam (Trung Quốc).
Nhiều chuyến tàu đã ra khơi phải quay về hoặc phải chiến đấu và hy sinh khi gặp địch. Có những chuyến bị địch thu mất tàu và vũ khí (như tàu C187 chở hàng vào Trà Vinh tháng 6/1966; tàu C198 chở hàng vào Đức Phổ, Quảng Ngãi, tháng 7/1967).
Có năm, do địch ngăn chặn, đánh phá ác liệt nên 100% chuyến đi không thể đến được bến giao hàng, một số quay lại, một số bị tổn thất, có năm tổn thất tới 50% (giai đoạn 1967 - 1968).
Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, những khó khăn thử thách ác liệt ấy không thể ngăn cản được những chuyến đi của các con tàu và cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số" vận tải chi viện chiến trường.
Từ năm 1962 đến 1972, “Đoàn tàu không số" đã thực hiện gần 170 chuyến tàu, thành công 65,06% số chuyến, trực tiếp chi viện hơn 5.700 tấn vũ khí và hàng trăm cán bộ tăng cường cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đồng thời, “Đoàn tàu không số” đã vận tải hàng trăm nghìn tấn hàng hóa, vũ khí cho tuyến chi viện chiến lược 559 vận chuyển vào chiến trường.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các tàu của Đoàn 125 đã thực hiện 173 chuyến, chở 17.475 lượt người và 8.721 tấn vũ khí, hàng quân sự vào chiến trường miền Nam và chở lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 nhận hàng vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh: Tư liệu) |
Đặc công Hải quân lập công trên chiến trường Cửa Việt
Cuối năm 1961, Cục Hải quân đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép tổ chức lực lượng Đặc công Hải quân để huấn luyện, tìm phương pháp đánh tàu mặt nước của địch. Ngày 23/10/1963, Đội 1 Đặc công Hải quân được thành lập, làm nhiệm vụ nghiên cứu tình hình hoạt động của tàu thuyền địch, nghiên cứu phương pháp tổ chức, xây dựng lực lượng và huấn luyện, thử nghiệm cách đánh tàu mặt nước của địch…
Để tham mưu cho cấp trên tổ chức lực lượng Đặc công Hải quân chi viện cho miền Nam tiến công địch trên chiến trường sông biển, đầu năm 1964, Đoàn 8 Đặc công Hải quân được thành lập, tổ chức huấn luyện kỹ thuật đánh tàu địch bằng 3 cách: Đánh áp mạn, đánh bằng thủy lôi và đánh bằng hỏa lực bắn thẳng.
Tháng 12/1964, kết thúc khóa huấn luyện đầu tiên, 150 đồng chí được chi viện cho các chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, quận Thủ Đức (Sài Gòn), Tây Nam Bộ và tăng cường cho Tiểu đoàn 43 Rừng Sác xây dựng thành Đoàn 10 Rừng Sác (Đặc công Rừng Sác).
Số còn lại tổ chức thành một đội hoạt động ở các cửa sông khu vực Nam Quân khu 3 và Quân khu 4 sẵn sàng đánh địch nếu chiến tranh lan rộng ra miền Bắc.
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ Đặc công Hải quân "Bơi, lặn giỏi; võ giỏi; bắn giỏi; tác chiến giỏi, giỏi chịu đựng khó khăn gian khổ; nghĩa tình đồng đội, quân dân keo sơn" |
Ngày 13/4/1966, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn Huấn luyện trinh sát đặc công, lấy phiên hiệu là Đoàn 126 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, làm nhiệm vụ “Tổ chức, xây dựng huấn luyện lực lượng đặc công nước bổ sung cho các chiến trường miền Nam và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà”.
Rạng sáng 31/3/1967, tổ chiến đấu của Đội 1 đặc công hải quân thực hiện trận đánh đầu tiên đã đánh chìm chiếc tàu cuốc 70 tấn của quân Nam Triều Tiên, là chiếc tàu đầu tiên của đế quốc Mỹ và tay sai bị bộ đội Đặc công Hải quân đánh chìm tại cửa Việt.
Trong 7 năm (1966 - 1973) cùng với huấn luyện bổ sung 5.000 cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường miền Nam, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà, Đoàn 126 đã chiến đấu hơn 300 trận, đánh chìm và đánh hỏng 336 tàu thuyền các loại của Mỹ, ngụy; phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.
Trong những năm 1974 - 1975, Đặc công Hải quân đã phối hợp tiến công quân địch trong các chiến dịch Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, là lực lượng chủ lực tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ khác, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đổi thay bên dòng Vàm Cỏ

Hải Phòng - thành phố cảng anh hùng

“Mũi giáp công thép” trong chiến dịch giải phóng miền Nam

Dũng sĩ Điện Ngọc vang danh vùng đất Quảng anh hùng

TP Hồ Chí Minh lung linh với màn trình diễn 10.500 drone

Nửa thế kỷ tri ân, mạch nguồn tự hào chảy mãi

Sắc đỏ yêu nước và hòa bình nơi thành phố mang tên Bác

Thủ Dầu Một - Vang mãi bản hùng ca thống nhất

Bình Dương hồi sinh từ những trang sử oai hùng
