Doanh nghiệp điện gió đua vay nợ trái phiếu để chạy tiến độ các dự án
24 nhà máy điện gió vận hành thương mại Ồ ạt đầu tư dự án điện gió, Công ty TNHH Tài Tâm liệu có đủ tiềm lực? Công ty Thành An liệu có đủ sức làm dự án điện gió gần 1.700 tỷ đồng ở Quảng Trị? |
Công ty TNHH Điện gió Hoà Đông 2 và Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 vừa thông báo phát hành lần lượt 1.165 tỷ đồng và 710 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ nhằm phục vụ đầu tư dự án.
Theo đó, các lô trái phiếu do Công ty TNHH Điện gió Hoà Đông 2 huy động có kỳ hạn 12-132 tháng, với lãi suất 10,75%/năm cho năm đầu tiên, các kỳ thanh toán lãi sau tính theo công thức bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 2,5%/năm.
Trong khi đó, lô trái phiếu do Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 phát hành có kỳ hạn 12-156 tháng, lãi suất áp dụng tương tự như trái phiếu của Công ty TNHH Điện gió Hoà Đông 2.
Cả hai đợt huy động trái phiếu đều do một tổ chức tín dụng trong nước mua lại và đều được bảo đảm bằng tài sản liên quan đến các dự án nhà máy điện gió cùng tên, được định giá lần lượt là 3.183 tỷ đồng đối với Nhà máy Điện gió Hoà Đông 2 và 1.241 tỷ đồng đối với Nhà máy Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1.
Ảnh minh họa |
Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy Điện gió Hoà Đông 2 có công suất 72MW tại phường Khánh Hoà, xã Hoà Đông và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện gió Hoà Đông 2 được thành lập vào tháng 8/2020, vốn điều lệ 390 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn (chiếm 55% vốn), còn lại là phần vốn góp của Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản STC Golden Land.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc của Công ty TNHH Điện gió Hoà Đông 2 là ông Nguyễn Nam Chung (SN 1972).
Một tháng sau khi thành lập, cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Điện gió Hoà Đông 2 đã được thay mới, với sự góp mặt của Công ty Cổ phần Phong Điện Sóc Trăng (với 99,999% vốn) và bà Đào Bích Liên (0,001% vốn).
Được biết, Công ty Cổ phần Phong Điện Sóc Trăng được nhóm Hoàng Sơn Group thành lập vào tháng 9/2020, nhưng các cổ đông sáng lập đã thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Tháng 3/2021, ông Cao Văn Hùng (SN 1982) đã thay thế ông Nguyễn Nam Chung làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này.
Trong khi đó, dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 có công suất 30 MW với vốn đầu tư 1.260 tỷ đồng trên diện tích 285,7 ha tại xã Phước Hữu, tỉnh Ninh Thuận. Dự án này đã từng bị tỉnh Ninh Thuận đưa vào diện thu hồi do chậm tiến độ.
Chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 được thành lập vào tháng 8/2020, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty TNHH Hưng Tín (chiếm 95% vốn), ông Lê Trung Tín (4%) và ông Nguyễn Thái Hà (1% vốn).
Tháng 2/2021, Công ty TNHH Hưng Tín và ông Nguyễn Thái Hà đã chuyển nhượng 96% cổ phần tại Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 cho ông Trịnh Văn Quang và bà Nguyễn Thị Kiều Trang. Sau đó, ông Lê Trung Tín tiếp tục chuyển nhượng 4% cổ phần tại công ty cho ông Trần Đức Việt.
Tính tới tháng 9/2021, Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 đã tăng vốn điều lệ lên 260 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Trần Đức Việt (chiếm 45% vốn), ông Trịnh Văn Quang (45%) và bà Nguyễn Thị Kiều Trang (10% vốn). Ông Trần Đức Việt (SN 1976) hiện đang là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ, trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ. Đồng thời, Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất. Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật. |