Ồ ạt đầu tư dự án điện gió, Công ty TNHH Tài Tâm liệu có đủ tiềm lực?
Công ty Thành An liệu có đủ sức làm dự án điện gió gần 1.700 tỷ đồng ở Quảng Trị? Dự án điện gió lớn nhất Việt Nam đóng điện đường dây 500kV |
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Tài Tâm (trụ sở tại số 72 Xuân Diệu, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) được thành lập năm 1996. Hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; trong đó chủ yếu là tư vấn thực hiện các thủ tục xin thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý dự án đầu tư trong các ngành công nghiệp năng, công nghiệp nhẹ, năng lượng.
Các cổ đông góp vốn tại Công ty TNHH Tài Tâm gồm ông Đỗ Lê Quân (SN 1974), ông Đỗ Kim Ngọc (SN 1943) và bà Lê Thị Ân (SN 1951). Cả ba cá nhân cổ đông sáng lập đều chung hộ khẩu thường trú tại 338 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Trong đó, ông Đỗ Lê Quân làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Các cá nhân trên đều có vai trò là cổ đông sáng lập (tỷ lệ sở hữu từ 30-40%) ở các công ty như Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Hưng Bắc, Công ty TNHH MTV ĐT Năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị, Công ty Cổ phân Đầu tư thương mại và Kinh doanh bất động sản Thăng Long, Công ty TNHH MTV ĐT Năng lượng Tài Tâm Quảng Trị…
Đây là những pháp nhân đứng tên trong liên danh nhà đầu tư đề xuất các dự án điện bổ sung vào quy hoạch điện lực quốc gia. Với mô hình quen thuộc, sau khi được chấp thuận bổ sung quy hoạch cũng như quyết định chủ trương đầu tư, các liên danh này thành lập doanh nghiệp dự án, với vai trò xuyên suốt làm đại diện pháp luật của ông Đỗ Lê Quân.
Nhiều dự án điện gió ở Quảng Trị đang chạy đua với thời gian. (Ảnh: CTV) |
Trong những năm gần đây, Công ty TNHH Tài Tâm liên tục đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, với hàng loạt dự án Nhà máy điện gió tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau và đặc biệt là tỉnh Quảng Trị.
Theo giới thiệu, Công ty TNHH Tài Tâm là nhà đầu tư và phát triển hàng loạt dự án điện năng lượng tái tạo như Nhà máy điện gió Tài Tâm, Nhà máy điện gió Hưng Bắc, Nhà máy điện gió Phương Bắc 2, Nhà máy điện gió Hoàng Hải (đều ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị); Nhà máy điện gió tại xã Thuận Hạnh (Đắk Nông); Nhà máy điện mặt trời Hòa Thắng 7 (Bình Thuận)... ngoài ra còn nhiều dự án khác với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy điện gió Tài Tâm, tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (công suất 50MW) có tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV ĐT Năng lượng Tài Tâm Quảng Trị, vốn điều lệ 20 tỷ đồng do ông Đỗ Lê Quân làm Giám đốc. Cơ cấu vốn cho dự án gồm 20% vốn tự có tương đương 360 tỷ đồng, 80% là vốn vay tương đương 1.440 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, dự kiến nghiệm thu đưa vào vận hành tháng 11/2021.
Trong khi đó, dự án Nhà máy điện gió Hưng Bắc (tại xã Thanh, A Xing, A Túc, và Xy, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển nhà Sài Gòn – Hà Nội và Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Hưng Bắc đề xuất, có công suất 89,6MW, tổng mức đầu tư 3.566 tỷ đồng.
Liệu Công ty TNHH Tài Tâm có xoay vốn đủ để triển khai các dự án điện gió. (Ảnh: Tài Tâm) |
Tương tự, dự án Nhà máy điện gió Hoàng Hải tại xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị do Công ty TNHH MTV ĐT Năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị đề xuất, có công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng (chủ đầu tư góp 340 tỷ đồng, còn lại 1.360 tỷ đồng là huy động). Dự kiến nghiệm thu vận hành tháng 10/2021, thời hạn hoạt động 50 năm.
Bên cạnh đó, dự án Nhà máy điện gió Phương Bắc – Trà Vinh 1 tại xã ngoài khơi xã Tường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh do liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển nhà Phương Bắc và Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Hưng Bắc lập đề xuất với công suất 300MW, dự kiến đưa vào vận hành quý III/2021, với tổng mức đầu tư dự án là 15.931 tỷ đồng.
Với hàng loạt dự án đang đầu tư và phát triển tại nhiều địa phương, Công ty TNHH Tài Tâm sẽ chịu áp lực vốn rất lớn khi bước vào giai đoạn triển khai thực tế, bởi nhiều dự án trong số này có mức đầu tư lên đến vài nghìn tỷ đồng, tổng cộng các dự án lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mà triển khai đồng loạt thì rất khó khăn trong việc xoay vốn.
Đặc biệt, thời gian qua nổi lên vấn đề dư thừa điện năng lượng tái tạo khiến hàng loạt nhà máy phải cắt giảm công suất, ảnh hưởng đến hoạt động vận hành, điều này càng làm gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư, bởi nếu chủ đầu tư các dự án điện năng lượng nếu sử dụng đòn bẩy tài chính cao, xoay vốn không kịp sẽ dẫn đến chậm tiến độ…
Tại Quảng Trị, cũng chính việc cấp tập cấp phép, thi công ồ ạt nhà máy điện gió đã đặt ra nhiều mối lo. Trong đó, không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là quy hoạch chung, trước đó nhiều lần Chính phủ đã yêu cầu các dự án điện gió phải đảm bảo mục tiêu chung; tuyệt đối tránh xảy ra tình trạng phát triển điện gió theo phong trào.
Trong đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc các dự án điện gió phải đảm bảo an toàn, ổn định, hiệu quả cho hệ thống và bảo vệ môi trường; lưu ý bám sát chủ trương, định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Nghị quyết 55/NQ-TW, để có đề án phát triển năng lượng tái tạo phù hợp theo các giai đoạn quy hoạch.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị hiện nay có 28/31dự án điện gió đã cấp chủ trương đầu tư, trong đó có 2 dự án với tổng công suất 60MW đã đi vào hoạt động (Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2); 26 dự án với tổng công suất 1.027,2MW đang triển khai đầu tư (16 dự án phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/10/2021).
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại khi một số dự án điện gió vì muốn hoàn thành trước ngày 1/11/2021 (để được hưởng những ưu đãi của Chính phủ) đã triển khai thi công khi chưa thực hiện xong trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất.
Các dự án chưa thu hồi đất đã thi công gồm Nhà máy điện gió Tài Tâm của Công ty TNHH MTV DT năng lượng Tài Tâm Quảng Trị, Nhà máy điện gió Hoàng Hải của Công ty TNHH MTV ĐT năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị và Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1 của Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh.
Ngoài ra, các dự án điện gió còn thi công ồ ạt nhưng chưa có đánh giá tổng thể về tác động môi trường, khiến người dân sống trong cảnh nơm nớp nỗi lo nguy cơ xảy ra sạt lở đe doạ tính mạng, ảnh hưởng đời sống kinh tế.
Ngày 4/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ký văn bản gửi các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế Hoạch và Đầu tư, Công hương, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hướng Hoá phối hợp kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án điện gió có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và công tác quản lý, bảo vệ rừng khi triển khai dự án, đề xuất xử lý sai phạm (nếu có) báo cáo UBND tỉnh. |