Doanh nghiệp lữ hành "làm mới" các tour du lịch để hút khách quốc tế
Tất bật chuẩn bị các điều kiện để đón du khách
Sau khoảng hai năm “đóng băng” vì dịch COVID-19, hiện các doanh nghiệp ngành du lịch đang tất bật lên các phương án để chuẩn bị đón khách du lịch nội địa lẫn quốc tế quay trở lại, ngay từ khi Chính phủ đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3.
Ngay từ tháng 2, các cơ quan quản lý, tổ chức du lịch đã nhiều lần họp bàn về chuẩn bị các điều kiện cho việc mở cửa hoạt động du lịch trở lại. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các điểm đến cũng chuẩn bị tinh thần cao trong việc đón khách, làm mới tour tuyến, chuẩn bị nhân lực cũng như các điều kiện khác.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết: Xây dựng sản phẩm du lịch là khâu then chốt quyết định đến mức độ phát triển kinh doanh du lịch của doanh nghiệp lữ hành.
Từ những nhu cầu thực tế của thị trường du lịch trong giai đoạn hiện tại và hậu COVID-19, những sản phẩm du lịch được xác định mang tính chiến lược và cốt lõi là: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn và du lịch mạo hiểm.
Trong đó ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh đến sản phẩm du lịch văn hóa là những trải nghiệm đích thực của du khách tại một địa phương về lối sống, truyền thống, lịch sử, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, ẩm thực, nghề thủ công... Tất cả các hình thức trải nghiệm khác nhau được sáng tạo áp dụng phù hợp để du khách có thể cảm nhận được những nét đẹp, bản sắc và độc đáo mà người dân địa phương đang gìn giữ và phát huy.
“Tập trung phát triển du lịch văn hóa là tạo ra động lực chính thu hút khách du lịch, tăng cường mạnh mẽ sức cạnh tranh, nâng cao hình ảnh Du lịch Việt Nam”, ông Phùng Quang Thắng nói.
Du khách quốc tế tham quan Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Bà Ngô Hương, Tổng Giám đốc Vinpearl Resort cho rằng với chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chào đón một lượng khách lớn nếu đảm bảo được các phương án, kịch bản chủ động, linh hoạt, đảm bảo an toàn.
Sau gần 3 tháng thí điểm chương trình hộ chiếu vắc xin, doanh nghiệp này cùng các đối tác đã đón 18 đoàn khách với hơn 3.000 lượt khách đến.
“Theo kế hoạch, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đón các đoàn khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Lào… Với nhu cầu lớn của du khách quốc tế hiện nay, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế thông qua các chuyến bay thường lệ, các thủ tục nhập cảnh thông thoáng và chính sách kích cầu hấp dẫn, hi vọng rằng lượt khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng. Đây là tín hiệu tích cực”, bà Ngô Hương, chia sẻ.
Cũng như nhiều đơn vị khác, Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours đã chủ động xây dựng kịch bản trước đó để chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch, từ việc xây dựng đến chào bán sản phẩm, dịch vụ... Doanh nghiệp cũng đã có những hợp đồng với những đoàn khách từ châu Âu hay những hợp đồng của khách Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours cho biết, dù Việt Nam đã cởi mở trong việc đón khách quốc tế nhưng để đón được đối tượng khách này còn phụ thuộc vào chính sách xuất nhập cảnh và phòng, chống COVID-19 của các nước mà du lịch Việt Nam hướng tới.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours, đối với vấn đề hàng không, tần suất bay là việc đáng lưu tâm khi mở cửa du lịch, bởi câu chuyện xây dựng sản phẩm tour luôn phụ thuộc vào tần suất bay và cần sự linh hoạt. Nếu tần suất ngắn, giá vé cao sẽ khó thu hút được du khách.
Vấn đề chính sách điểm đến của Việt Nam cũng cần đặt ra. Khi đã mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch thì các dịch vụ phục vụ khách cũng cần tính toán để cho phép hoạt động. Hiện nay, nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch như quán bar, vũ trường, karaoke... tại nhiều địa phương vẫn chưa được hoạt động trở lại.
Nhanh chóng lên chiến lược phục hồi du lịch
Hà Nội là địa phương tiên phong đi đầu trong việc mở cửa đón khách du lịch bằng hàng loạt giải pháp mở cửa lại phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, cho phép nhiều dịch vụ mở cửa bình thường sau 21 giờ...
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có 157 công ty lữ hành đang hoạt động; 464 khách sạn, cơ sở lưu trú với 10.846 phòng (trong đó có 225 khách sạn được xếp hạng, gắn sao, tiêu biểu như Khách sạn Hilton Opera, Movempik, Metropol, Silk park...).
Sau 2 năm đóng cửa, để chỉnh trang lại phòng ốc trung bình mỗi khách sạn phải tốn 15 -20 triệu đồng/phòng, đây là còn số không nhỏ. Chưa kể, lượng nhân viên của các khách sạn hiện chỉ còn khoảng 10 - 15%, cần phải tuyển dụng lại, thậm chí còn phải đào tạo lại.
Hà Nội là địa phương tiên phong đi đầu trong việc mở cửa đón khách du lịch |
“Xác định được tầm quan trọng của Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung cho chiến lược phục hồi du lịch Việt Nam đồng thời cũng là mũi nhọn kinh tế của quận, chúng tôi đã sớm có các chỉ đạo ngành văn hóa - du lịch, các phường bắt tay vào việc. 190 điểm di tích lịch sử - văn hoá và di tích cách mạng - kháng chiến. Tiêu biểu là xung quanh hồ Hoàn Kiếm - di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia đặc biệt và khu Phố cổ Hà Nội - di tích lịch sử cấp quốc gia, hôm nay ngày 18/3 sẽ mở cửa trở lại sẽ tiếp tục là điểm nhấn thu hút du khách.
Cùng với đó, quận sẽ nhanh chóng khôi phục 14 lễ hội truyền thống tại phố cổ Hà Nội vừa giữ gìn bản sắc truyền thống tại phố cổ, vừa tạo thêm điểm nhấn văn hóa phục vụ khách tham quan. Quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp với Sở Du lịch phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao trên địa bàn quận và tạo lập môi trường du lịch thực sự "An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn" nhằm phát huy tối đa các điều kiện thuận lợi, các giá trị vật thể và phi vật thể của quận Hoàn Kiếm cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng năm 2022 và những năm tiếp theo", ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khó khăn lớn nhất mà Hà Nội sẽ phải đối diện đó chính là nguồn lực để khởi động lại chiến lược phục hồi du lịch sau 2 năm đóng cửa. Đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò lớn trong hệ sinh thái du lịch của Hà Nội đã dừng hoạt động trong các đợt phong tỏa và chưa mở lại.
Để mở cửa, các khách sạn trên địa bàn Hà Nội cần nhân lực nhưng lại không có đủ nhu cầu và kinh phí để thực hiện tất cả những điều này. Nhiều lao động trong ngành du lịch đã đổi nghề trong đại dịch và không muốn quay trở lại, bởi họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều chi phí.
Có thể thấy rằng, Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc khôi phục du lịch và kinh tế nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ cả về chính sách lẫn nguồn lực. Bởi nếu Hà Nội thành công chúng ta có cơ sở để tin du lịch sẽ hoàn thành vượt mức mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng trong năm 2022.