Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất xanh để phát triển bền vững
Xu hướng phát triển của các doanh nghiệp
Sản xuất xanh là quy trình sản xuất mà từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt… làn sóng tiêu dùng xanh đang lan rộng trên toàn cầu thì sản xuất xanh là xu thế tất yếu và là một mắt xích quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh.
Tại Việt Nam, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Trong hơn 3 năm qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Theo đó, các doanh nghiệp phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo…
Vitas đồng thời phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững” nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Đồng thời, hỗ trợ được nhiều hơn cho các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may.
Nhiều doanh nghiệp đang thích ứng để đáp ứng những tiêu chuẩn sản xuất xanh (Ảnh: Việt Anh) |
Cùng với ngành dệt may, Hiệp hội ngành gỗ cũng đã ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ theo hướng phát triển bền vững, kiên quyết không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp; Đồng thời chính thức cho ra mắt Quỹ “Việt Nam xanh”.
Hiện không ít doanh nghiệp ngành F&B (Food and Beverage Service, là ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống) cũng ưu tiên sản xuất, phân phối các sản phẩm “xanh”, đồng thời sử dụng các bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần…
Tiêu dùng xanh, sống xanh đã và đang là một xu hướng phát triển trong thời gian qua và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, sản xuất xanh còn giúp các doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, tạo ra sự tăng trưởng đáng kể trong kết quả kinh doanh.
Chứng minh là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tạo lập giá trị thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, sản xuất xanh đang giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, duy trì hoạt động ổn định, tạo cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Nỗ lực xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững
Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, xanh hóa sản xuất còn giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam có được những tấm vé thông hành là các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế (như Tiêu chuẩn ISO 14000) để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… và hưởng thuế các suất ưu đãi.
Bởi trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… ngoài những cam kết về đầu tư, thương mại hàng hóa, dịch vụ, thì môi trường hay phát triển bền vững là những nội dung không thể thiếu.
Ví dụ như Hiệp định CPTPP có một chương riêng về môi trường với các cam kết liên quan tới chính sách pháp luật về môi trường, trong đó có điều khoản liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên và xử lí chất thải từ quá trình đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Việc áp dụng mô hình sản xuất xanh rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp thủy sản đáp ứng được các cam kết trên, mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu.
Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, xanh hóa sản xuất còn giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam có được những tấm vé thông hành là các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế (Ảnh: Việt Anh) |
Hay đối với ngành gỗ Việt Nam, việc Hiệp hội ngành gỗ ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ theo hướng phát triển bền vững, không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp đang giúp các doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn các quy định nghiêm ngặt của các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…
Sản xuất xanh còn yếu tố tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế bởi sản xuất bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng để họ lựa chọn đối tác. Chẳng hạn như Adidas - một trong các đối tác lớn nhất của doanh nghiệp dệt may, da giầy Việt Nam - áp dụng phân tích định kỳ các nhà cung cấp về các chỉ số xanh, quy định mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ, nước sạch, khí thải CO2.
Tuy nhiên, sản xuất xanh là một bài toán không dễ dàng, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay giải quyết. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp, tạo các hành lang pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh và bền vững.
Đồng thời, cần siết chặt các tiêu chuẩn, tiêu chí bảo vệ môi trường trong sản xuất nhằm nỗ lực gìn giữ môi trường, để các nguồn tài nguyên thiên nhiên có cơ hội và thời gian tái tạo. Ở góc độ người tiêu dùng, cần ý thức rõ nhu cầu sử dụng sản phẩm “xanh” của mình để mở ra một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận và khai thác.
Bên cạnh những yếu tố trên, việc xây dựng một nền sản xuất xanh chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất. Họ cần phải có nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và dành nguồn lực vốn đáng kể cho quy trình sản xuất xanh. Làm được những điều trên, Việt Nam sẽ có được một mắt xích vững chắc để xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững.