Doanh nhân trẻ khởi nghiệp từ... động lực “muốn thoát khỏi vòng an toàn”
Doanh nhân trẻ huyện Đan Phượng hội tụ kỷ niệm ngày truyền thống Doanh nhân trẻ góp sức xây dựng Thủ đô Kỳ vọng của nữ doanh nhân trẻ thành đạt |
Khám phá khả năng bản thân
Từ khi là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viễn đã đi làm tại một công ty khởi nghiệp. Tốt nghiệp đại học, anh được mời làm Giám đốc vùng tại Việt Nam cho một công ty có trụ sở ở Mỹ, với mức lương đáng mơ ước 2.500 USD.
Tuy nhiên, làm được gần 2 năm, Viễn quyết định nghỉ việc, xách va li rời Thủ đô về quê nhà Nghệ An lập nghiệp. Quyết định này, khiến người thân, bạn bè vô cùng ngạc nhiên và hoài nghi. Tuy nhiên, thay vì giải thích, Viễn nỗ lực ngày đêm hiện thực ước mơ ấp ủ bấy lâu.
“Ở thời điểm đó, tôi đã từ bỏ một công việc tốt ở Hà Nội để về Nghệ An. Đây là một quyết định khó khăn. Động lực lớn nhất để tôi ra quyết định đó là mong muốn thoát khỏi vòng an toàn để va chạm nhiều hơn nữa.
Khi ở trong một công việc ổn định, bạn sẽ chỉ sử dụng những điều đã biết để áp dụng chứ khó phát triển được những kỹ năng mới. Tôi không muốn chọn cuộc sống như vậy. Tôi muốn thay đổi môi trường, chọn một hướng đi khác hẳn để khám phá những khả năng khác của bản thân”, Viễn chia sẻ.
Doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn |
Năm 2017, Viễn thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ GoStream nhằm cung cấp công cụ livestream hỗ trợ cho công việc kinh doanh online. Theo Viễn việc quyết định về Nghệ An là một cái duyên với quê hương. Ban đầu anh định chọn Đà Nẵng hoặc Thành phố Hồ Chí Minh để làm điểm dừng chân tiếp theo. Tuy nhiên, đúng lúc đang lưỡng lự thì anh được mời về Nghệ An theo diện thu hút nhân lực.
Khi về Nghệ An, Viễn nhìn thấy tiềm năng về phát triển công nghệ của tỉnh. Nghệ An không quá xa Hà Nội, có đường bay đi các thành phố lớn, đất rộng và dân số lớn trong khi không có nhiều các công ty công nghệ. Các cấp ban, ngành của tỉnh cũng hết lòng hỗ trợ đơn vị khởi nghiệp đặc biệt là lĩnh vực công nghệ. Nhận thấy cơ hội đó, anh đã quyết định mở công ty khởi nghiệp tại Nghệ An
Gặp nhiều thuận lợi nhưng Viễn cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất khi anh khởi nghiệp ở quê đó là nguồn nhân sự không được như kỳ vọng, cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong suốt thời gian dài, anh và các cộng sự rất chật vật để tuyển những nhân sự chất lượng trong ngành công nghệ.
Vươn tầm thế giới
Chưa dừng lại ở đó, để có vốn khởi nghiệp, Viễn phải vay ngân hàng và cắm cả chiếc xe máy đang đi. “Công ty lúc đó chỉ có 3 người, đồng thời cũng chính là 3 co-founder (đồng sáng lập). Trong đó, tôi ở Nghệ An, một người ở Hà Nội, người còn lại ở Thành phố Hồ Chí Minh. Để tiết kiệm chi phí, tôi quyết định đặt văn phòng tại quê nhà Nghệ An”, Viễn tâm sự
Ba thành viên không ở cạnh nhau, chỉ làm việc trực tuyến nhưng kết hợp rất ăn ý. May mắn nữa, công ty khi đặt trụ sở tại Nghệ An, được tỉnh hỗ trợ về mặt bằng và các chính sách dành riêng cho start-up phát triển được tốt nhất. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, công ty hoạt động ổn định và phát triển.
Doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn trong chương trình giao lưu "Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam" |
Nắm bắt nhu cầu của thị trường trong những năm gần đây và đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, các hoạt động trao đổi, giao dịch được dịch chuyển dần sang hình thức online, như: Thương mại điện tử (live-commerce), đào tạo trực tuyến (e-learning), giải trí trực tuyến (live gameshow)… thông qua việc phát livestream, GoStream đã cho ra đời sản phẩm GoStudio.
Đây là một sản phẩm công nghệ được Viễn và cộng sự dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu, thử nghiệm. Theo Viễn, GoStudio hoạt động như một studio ảo với 2 nhóm tính năng chính: Thiết kế giao diện, kịch bản tương tác và tạo luồng phát livestream đến các nền tảng khác (Facebook, YouTube, website...). GoStudio khác biệt ở điểm cho phép thông tin được truyền và nhận qua lại 2 chiều từ người tổ chức đến người xem cũng như ngược lại, hay còn gọi là livestream tương tác.
Vì thế, qua GoStudio, các nhà bán hàng dễ dàng tạo nên kênh bán hàng online tương tự như mô hình Shopping TV với chi phí rẻ (từ 100.000 đồng/tháng trở lên) dựa trên hạ tầng các mạng xã hội phổ biến trên thế giới như: Facebook, YouTube, Twitter.
Đặc biệt, nhằm phục vụ hội họp trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp, GoStudio thiết kế tính năng tạo tổ chức “Webinar” (hội thảo trên Web) trên các nền tảng mạng xã hội. Với tính năng này, GoStudio cho phép tạo ra các phòng họp online, được chia thành phòng chờ và phòng livestream, người chủ trì hội thảo có thể mời khách cùng tham gia, mọi thành viên nhìn và nghe thấy lẫn nhau, cùng nhau hỏi đáp trực tuyến.
“Về quê không có nghĩa là sản phẩm của bạn chỉ phục vụ trong địa bàn tỉnh. GoStream đã và đang phục vụ tốt thị trường toàn quốc và hoàn toàn có thể tự tin vào sự thành công ở thị trường quốc tế”, Viễn chia sẻ.
Hiện tại, GoStream có hơn 700.000 người dùng với 10.000 người dùng thực hiện livestream bán hàng trên nền tảng này mỗi ngày. Năm 2019, GoStream được Facebook đưa vào danh sách 1 trong 30 nền tảng được sử dụng để livestream nhiều nhất trong 30 ngày trên thế giới.
GoStream đã cung cấp dịch vụ thành công ra các thị trường Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Arap Saudi. Công ty cũng đang đặt mục tiêu lọt vào Top 10 công ty có ứng dụng hỗ trợ (add-on) các mạng xã hội (như Facebook, YouTube…) lớn nhất Đông Nam Á trong tương lai gần.
GoStream còn vừa trở thành quán quân cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” - Techfest 2020. Với giải thưởng này, ngoài phần thưởng tiền mặt 200 triệu đồng GoStream sẽ đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp Startup World Cup 2021 tổ chức tại Mỹ sắp tới.