Độc đáo vựa hoa lớn nhất miền Tây
Thăng trầm làng hoa trăm tuổi
Nói đến hoa và kiểng, người ta không thể không nghĩ đến địa danh Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Gần một trăm năm qua, nơi đây nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa kiểng, cây cảnh truyền thống.
Từ làng hoa Tân Quy Đông ngày nào cho đến khi trở thành thành phố hoa Sa Đéc hôm nay là một chặng đường dài, ghi dấu biết bao sự đổi thay và những công lao của các bậc tiền nhân mở nghiệp với nghề trồng hoa kiểng.
Ông Nguyễn Nhất Thống - Chủ tịch Hội Sử học TP Sa Đéc cho biết, theo lời kể của các bậc cao niên trong nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc, thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho nghề xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX đến năm 1930. Trong giai đoạn khai mở này, hoa kiểng được trồng với số lượng ít, chỉ đáp ứng nhu cầu nhỏ lẻ, chưa có điều kiện để đi bán ở nhiều nơi.
Bước sang giai đoạn thứ hai, khoảng từ năm 1930 - 1945, giao thương hàng hóa có nhiều thuận lợi, hoa kiểng Sa Đéc có điều kiện phát triển, sánh vai với hoa kiểng xứ Cái Mơn (Bến Tre), Gò Vấp (Sài Gòn) và Đà Lạt (Lâm Đồng) mỗi dịp xuân về. Cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp vận chuyển những giỏ hoa, chậu kiểng đi khắp Nam kỳ lục tỉnh đã làm say lòng biết bao tao nhân mặc khách.
Đến giai đoạn 1945 - 1975, khi đất nước chìm trong chiến tranh, một trong những người kiên trung bám trụ với ruộng hoa vườn kiểng phải kể đến ông Dương Hữu Tài (thường gọi là Tư Tôn). Ông tìm mọi cách để duy trì vườn hoa và sưu tầm những giống hoa mới, đặc biệt là hoa hồng và nổi danh với tên tuổi Vườn hồng Tư Tôn. Nơi đây trở thành vườn ươm những giống hoa hồng mới cho Sa Đéc, khu vực Nam bộ và cả nước. Từ đây, Sa Đéc trở thành xứ sở của các loài hoa vang danh khắp nơi.
Từ sau năm 1975 - 1990, sau ngày thống nhất đất nước, hoa kiểng cũng hòa chung niềm vui nhưng sau đó kinh tế khó khăn, thiên tai lũ lụt, chiến tranh biên giới xảy ra, đất nước đứng trước nhiều thử thách, lo toan, hoa kiểng bị xem như một thú vui xa xỉ, diện tích bị thu hẹp dần. Những người trồng hoa kiểng giai đoạn này gặp nhiều gian nan để tạo dựng lại làng nghề trong giai đoạn đổi mới.
Từ năm 1990 - 2015, những thế hệ thứ năm của nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh, tiềm năng, ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, lai giống, ghép cây, chiết cành…
Tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động
Theo ông Nguyễn Văn Hon - Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, từ khi hoa kiểng được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực phát triển theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, diện mạo Làng hoa Sa Đéc mỗi năm có sự chuyển mình mạnh mẽ.
Quy mô và giá trị sản xuất hoa kiểng Sa Đéc phát triển vượt bậc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân Sa Đéc. Đến nay, diện tích hoa kiểng ở Sa Đéc trên 680ha với hơn 2.300 hộ dân trồng hoa và trên 2.000 loài hoa kiểng.
Nơi đây trở thành một trong những vựa kiểng lớn nhất ĐBSCL, góp phần tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động sản xuất, kinh doanh, chăm sóc hoa kiểng cho khắp cả nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang một số nước.
Nhờ có hoa quanh năm nên Sa Đéc lúc nào cũng có du khách đến tham quan. Nhiều homestay, điểm du lịch cộng đồng, khu vui chơi được hình thành, trở thành điểm đến hấp dẫn dành cho du khách.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động người dân phát triển thêm mô hình du lịch cộng đồng nhằm phục vụ du khách tham quan ngày càng tốt hơn.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM xây dựng Đề án Làng văn hóa du lịch Sa Đéc trên diện tích khoảng 510ha. Đây là một trong 10 mô hình Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới được chọn thí điểm của cả nước, hướng đến mục tiêu kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia.
Năm 2021, nông dân Làng hoa Sa Đéc, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp xuống giống hơn 45ha hoa, kiểng các loại phục vụ Tết năm 2022; Trong đó, bà con nông dân Làng hoa Sa Đéc chuẩn bị hơn 100.000 giỏ hoa cúc mâm xôi phục vụ Tết năm 2022, tập trung trồng nhiều nhất là phường Tân Quy Đông, An Hòa, xã Tân Khánh Đông và xã Tân Quy Tậy. Bà con làng hoa Sa Đéc cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, nên cây cúc mâm xôi phát triển tốt. Hiện tại, cúc mâm xôi bắt đầu cho ra nụ hoa. Anh Bùi Văn Điền ở xã Tân Khánh Đông cho biết, trồng cúc mâm xôi thường cho giá trị cao trong dịp Tết, ít bị ứ đọng. Để sản xuất hoa cúc mâm xôi kịp bán đúng vào dịp Tết là kỳ công, vất vả chăm sóc gần 6 tháng trồng. Nông dân trồng hoa ở thành phố Sa Đéc đã từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao, đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới và hệ thống phun tưới tự động nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất. Hoa cúc mâm xôi là một trong rất nhiều loại cúc khác có hoa màu vàng rực rỡ, hơn hết loại này ra hoa thành một chùm lớn trong chậu. Điều đặc biệt là cúc mâm xôi là loại hoa nở kéo dài hơn một tháng mới tàn cho nên nhiều nhà chọn mua, trưng trong dịp Tết Dương lịch kéo dài đến Tết Âm lịch. Cúc mâm xôi còn cung cấp cho việc trang trí đường hoa, khu du lịch, trưng bày nhiều ở tiền sảnh, đại sảnh ở nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, ngoài ra cây được chọn trang trí tiểu cảnh hoa ở công viên, sân vườn… Ấn tượng sắc vàng của hoa cúc mâm xôi mang ý nghĩa may mắn, sung túc. Cây cúc mâm xôi có hoa nở xum xuê đan xen nhau, mỗi dịp Tết để trưng bày trong nhà, nhằm cầu mong gia đình con cháu đoàn tụ xum vầy, hạnh phúc và hiếu thảo. Cây có hoa màu vàng rực rỡ là biểu tượng cho tài lộc và may mắn. Theo thống kê, riêng làng hoa kiểng Sa Đéc có hơn 2.000 chủng loại, đặc biệt có loại hoa cúc mâm xôi đã góp phần làm phong phú cho làng hoa kiểng ở Đồng Tháp nổi tiếng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |