Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải hiển diện trong chỉ đạo hằng ngày của từng cấp ủy
Hội thảo do Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Quang cảnh hội thảo |
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị vẫn chậm
Khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trong những nhiệm kỳ gần đây, vai trò và hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao.
Mặc dù có nhiều sự chuyển biến tích cực và quan trọng, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn chậm. Do vậy, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới là một nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra; Nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khai mạc hội thảo |
Phát biểu chào mừng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Nội luôn ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò, trách nhiệm trước Đảng, trước dân; Gương mẫu đưa Nghị quyết Trung ương 5 khóa X vào cuộc sống.
Qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ Hà Nội đã khẳng định việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã mang lại hiệu quả to lớn, góp phần quan trọng, có tính quyết định đối với phát triển của Thủ đô trong các giai đoạn vừa qua.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sớm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chào mừng |
Đề dẫn hội thảo, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương khẳng định, hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, nhằm xây dựng Đề án về vấn đề này trình Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII.
Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề lý luận về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; Đánh giá những ưu điểm, kết quả và hạn chế, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; Dự báo những nhân tố tác động, những yêu cầu mới đặt ra đối với phương thức lãnh đạo của Đảng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong tình hình mới.
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương phát biểu đề dẫn hội thảo |
Tránh khuynh hướng cấp ủy buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay
Tại hội thảo, các tham luận đã nhấn mạnh vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải trên cơ sở nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; Trong việc thực hiện quyền lực của Nhân dân để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, tránh khuynh hướng cấp ủy buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay;
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tham luận |
Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền cùng cấp, coi đây là khâu quan trọng; Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể; Thực hiện tốt nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”...
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải xuất phát từ con người cán bộ. Muốn vậy phải đánh giá chính xác, lựa chọn đúng cán bộ; Quan tâm xây dựng cơ chế, môi trường để cán bộ yên tâm cống hiến, hết lòng hết sức vì nhiệm vụ...
GS.TS Tạ Ngọc Tấn phát biểu tham luận |
Cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh
Tổng hợp các ý kiến tham luận tại hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã rút ra nhiều ý kiến hay, vấn đề cụ thể để đề xuất với Trung ương.
Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng. Trong quá trình đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận tạo hiệu ứng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện, nhất là trước những việc khó.
Trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế làm việc; Phát huy vai trò của người đứng đầu cũng như tính tới việc cho phép người đứng đầu có thêm một số thẩm quyền.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai |
Để đổi mới phương thức lãnh đạo, theo đồng chí Trương Thị Mai, quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh. Công tác đánh giá cán bộ phải được thực hiện một cách chính xác để lựa chọn đúng cán bộ; Đồng thời phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý, quy định để cán bộ không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực...
Ngoài ra, đổi mới phương thức lãnh đạo cần phải phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng loại hình tổ chức Đảng trong MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể Nhân dân, đơn vị kinh tế...
Đặc biệt, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải hiển diện trong chỉ đạo hằng ngày của từng tổ chức Đảng, từng cấp ủy; Cụ thể hóa bằng phong cách làm việc, lề lối làm việc ngày càng hiện đại...
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến.