Đối thoại về chính sách mới liên quan đến tiền lương và an toàn vệ sinh lao động
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, tiền lương và an toàn lao động là hai mảng vấn đề quan trọng bậc nhất đối với mỗi người lao động (NLĐ). Đối với ngành Xây dựng, là một ngành đặc thù, công việc khó khăn, vất vả, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động cao thì các chính sách, quy định để bảo đảm thu nhập và bảo đảm an toàn lao động luôn là vấn đề thời sự, được NLĐ quan tâm đặc biệt.
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi đối thoại |
“Nhằm cập nhật kịp thời những kiến thức pháp luật mới được điều chỉnh liên quan đến quyền lợi của NLĐ, nhất là chính sách tiền lương để góp phần cho chính sách được thực thi hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho NLĐ; đồng thời trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức của cả chủ sử dụng lao động và NLĐ về vấn đề an toàn vệ sinh lao động, trong buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay, chúng tôi lựa chọn chủ đề là “Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn vệ sinh lao động”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
Đông đảo đoàn viên, công nhân lao động tham gia chương trình |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu đánh giá cao và biểu dương Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến hướng về cơ sở, giúp đoàn viên và NLĐ đảm bảo được quyền lợi của mình và đặc biệt là được làm việc trong môi trường an toàn. Đồng chí đề nghị, Báo Lao động Thủ đô tiếp tục tổ chức thêm nhiều cuộc giao lưu trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà NLĐ quan tâm.
Ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, phát biểu tại buổi đối thoại |
Tại chương trình, nhiều công nhân, lao động đã đưa ra những thắc mắc liên quan đến chính sách tiền lương và an toàn lao động. Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm hỏi: "Thành phố đang triển khai gói thuê trọ cho công nhân, trong đợt dịch công nhân có được hỗ trợ tiền thuê nhà. Hiện Nhà nước và thành phố có thêm các chế độ gì hỗ trợ cho công nhân hay không, các thủ tục như thế nào?".
Trả lời câu hỏi, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, sau dịch COVID-19, nhà nước có chế độ chính sách liên quan đến tiền thuê nhà để động viên công nhân trở lại sau làm việc. Hiện, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát nên chế độ chính sách này cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Do đó trong trường hợp này, NLĐ nên chung tay cùng đơn vị để cùng nỗ lực vượt qua khó khăn. Tin tưởng rằng trong tương lai, nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách để hỗ trợ cho NLĐ.
Chị Ngô Thị Quang - Công nhân Công ty môi trường, chi nhánh Đống Đa, đặt câu hỏi |
Chị Ngô Thị Quang, công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Đống Đa hỏi: "Tôi bị tai nạn lao động năm 2017, mất 35% sức khỏe, khi về hưu, tôi được hưởng những chế độ gì?".
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội giải đáp, năm 2017 công ty đã xác nhận tai nạn lao động thì chị sẽ được hưởng các chế độ theo luật. Trước đó, tôi đã nói về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trường hợp này như: thanh toán các chi phí điều trị không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả; Bồi thường cho người lao động sau khi người lao động điều trị ổn định tai nạn lao động…
Hiện nay, với trường hợp của chị, mỗi tháng chị đã hưởng chế độ là trên 500.000 đồng thì chị hưởng đến hết đời, khi về hưu, vẫn được hưởng số tiền này. Còn về chế độ làm việc, nghỉ hưu, nếu chị suy giảm 61% thì chị sẽ xem xét về hưu sớm trước 5 năm, tuy nhiên, chị mới mất 35% sức khỏe thì vẫn làm việc bình thường. Nếu chị cảm thấy sức khỏe không ổn định, chị có thể đi giám định lại sức khỏe, nếu trên 61% chị vẫn được về hưu sớm trước 5 năm.
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia |
Sau hơn 2 tiếng diễn ra, chương trình đã giải đáp trên 30 câu hỏi sôi nổi của công nhân lao động liên quan đến các chế độ, chính sách cần thiết đối với NLĐ như: Tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, BHXH, an toàn lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của NLĐ… giúp các cán bộ công đoàn, có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên và NLĐ.