Đối tượng chống người thi hành công vụ, đánh Thượng úy Công an tử vong sẽ bị xử lý thế nào?
Hà Nam: Thượng úy Công an bị đánh tử vong khi đang giải quyết vụ ẩu đả Thượng úy công an hy sinh khi vây bắt đối tượng vận chuyển ma túy |
Ngăn vụ ẩu đả, Thượng úy công an hy sinh
Công an tỉnh Hà Nam thông tin, khoảng 13 giờ ngày 10/11, tại xưởng may của anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1973, ở thôn Sàng, xã Đạo Lý) xảy ra vụ đánh nhau giữa anh Hưng và các đối tượng Nguyễn Văn Côn (SN 1979), Trần Quang Đoài (SN 1972) đều trú tại thôn Đồng Phú, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân và Phan Văn Thế (SN 1978) trú tại thôn Trác Nội, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam đến viếng Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh |
Sau khi nhận được tin báo từ quần chúng Nhân dân, Công an xã Đạo Lý đã báo cáo lãnh đạo Công an huyện Lý Nhân, đồng thời cử Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh và công an viên Nguyễn Văn Huynh, thuộc Công an xã Đạo Lý, xuống hiện trường nắm tình hình, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Khi xuống hiện trường, Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh phát hiện đối tượng này sử dụng hung khí đánh nhau, Thượng úy Minh đã yêu cầu các đối tượng về trụ sở Công an xã làm việc để giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng các đối tượng không chấp hành.
Lúc này, đối tượng Nguyễn Văn Côn đã dùng tay đấm vào vùng bụng, nách thượng úy Minh làm cán bộ công an này bị thương. Sau khi được người dân đưa đi cấp cứu, đến khoảng 15 giờ cùng ngày, Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh tử vong tại Bệnh viện huyện Lý Nhân, nguyên nhân do bị vỡ lá lách trái, gây mất máu dẫn đến tử vong.
Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã giữ 3 đối tượng trên để điều tra, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh hy sinh khi ngăn cản vụ ẩu đả ở địa bàn xã |
Trao đổi với báo chí chiều 11/11, Thượng tá Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, cho biết, đơn vị đã đề xuất Bộ Công an đề nghị cơ quan chức năng công nhận liệt sỹ đối với Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh (30 tuổi, công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân).
"Công an tỉnh cũng thống nhất làm báo cáo đề nghị thăng quân hàm từ Thượng úy lên Đại úy cho đồng chí Minh", lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam nói.
Sáng cùng ngày, gia đình, người thân, bà con lối xóm, bạn bè và đặc biệt là đồng đội của anh đã có mặt tại gia đình để làm tang lễ cho anh theo nghi thức Công an Nhân dân. Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị đã bày tỏ sự cảm phục và niềm tiếc thương vô hạn đối với sự hy sinh dũng cảm của Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh.
Sự hy sinh của Thượng uý Minh đã thể hiện tinh thần, phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Công an Nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Đối tượng đánh người tử vong sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên dưới góc độ pháp, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Hành vi phạm tội của nghi phạm không những đã xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công mà còn xâm phạm đến tính mạng của người thi hành công vụ nên cần thiết phải xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự.
Hành vi của nghi phạm đã sử dụng vũ lực đấm vào các vùng trọng yếu trên cơ thể Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh là nguy hiểm đến tính mạng. Nghi phạm không có mâu thuẫn, thù oán với Thượng úy Minh nhưng đã chống lại hoạt động của người thực thi nhiệm vụ bằng việc đánh Thượng úy Công an tử vong. Hành vi của nghi phạm thể hiện sự côn đồ hung hãn, vô cớ tước đoạt tính mạng anh Minh đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d, n, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Lỗi của nghi phạm trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại khoản 2, Điều 10 Bộ luật Hình sự: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.
Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam thăm hỏi, chia buồn với thân nhân Thượng uý Nguyễn Tuấn Minh |
Cũng theo luật sư Thơm, đối với việc đánh nhau giữa ông Nguyễn Văn Hưng (47 tuổi) với nhóm của Nguyễn Văn Côn (41 tuổi), Trần Quang Đoài (48 tuổi) và Phan Văn Thế (42 tuổi) tại một xưởng may ở thôn Đồng Phú cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đánh nhau gây thương tích thì tùy theo tính chất mức độ các đối tượng có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự.
Nếu việc đánh nhau chưa gây hậu quả thì có thể xem xét xử lý các đối tượng về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318, Bộ luật Hình sự.
Lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam điều tra, làm rõ vụ việc Thượng úy Công an bị đánh tử vong |
Cùng trao đổi về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân hành vi của sự việc, làm rõ hậu quả để xem xét trách nhiệm đối với từng đối tượng theo quy định của pháp luật.
Trước tiên sẽ làm rõ hành vi cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng của các đối tượng có liên quan trước khi Thượng uý Minh có mặt. Trường hợp, cơ quan chức năng có đủ căn cứ sẽ truy tố các đối tượng vi phạm về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội gây rối trật tự công cộng.
Đối với hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hậu quả người thi hành công vụ tử vong, cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý các đối tượng vi phạm về tội chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích hoặc tội giết người tùy thuộc vào hành vi cụ thể.
Trong trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng dẫn đến thương tích hoặc dẫn đến người thi hành công vụ tử vong thì đối tượng chống người thi hành công vụ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người theo Bộ Luật Hình sự 2015.
Bởi vậy, trong vụ án này cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý đối tượng đã tấn công Thượng u6s Minh về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người tùy thuộc vào hành vi và tương quan lực lượng giữa hai bên trong tình huống cụ thể.
Trong vụ án này, nạn nhân thiệt mạng là do những thương tích mà đối tượng chống người thi hành công vụ gây ra, đối tượng không sử dụng hung khí nguy hiểm nên cơ quan điều tra sẽ cân nhắc để xác định tội danh là tội cố ý gây thương tích hay tội giết người.
Nếu hành vi của đối tượng không nhằm mục đích giết người, không nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người thì đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015.
Điều 123. Tội giết người1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 2 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. |