Đối tượng đánh đập dã man bé trai ở Bình Dương sẽ bị xử lý thế nào?
Tối 4/8, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nam thanh niên đánh đập dã man bé trai ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, gây phẫn nộ dư luận. Ngay sau khi nắm thông tin, Công an TP Thuận An đã triệu tập người đàn ông trong clip đến trụ sở Công an làm việc.
Hình ảnh đối tượng đánh đạp dã man bé trai ở Bình Dương khiến dư luận phẫn nộ (Ảnh cắt từ clip) |
Tại cơ quan công an, Lê Hoài Nam đã khai nhận từ đầu năm 2020, Nam chung sống như vợ chồng với chị Nguyễn Huyền T (29 tuổi, quê Đồng Nai, mẹ ruột của nạn nhân là bé P.A). Tháng 5/2021, Nam thuê nhà ở khu phố Bình Quới B để bán cà phê và sống cùng chị T và bé P.A.
Thời gian sinh sống tại đây, Nam thường xuyên đánh đập bé P.A khiến hàng xóm bức xúc. Mọi người nhiều lần can ngăn thì bị Nam đe doạ. Tối 3/8, khi thấy Nam đánh P.A, người dân đã quay clip và tung lên mạng xã hội với mong muốn công an vào cuộc giải cứu cháu bé. Hiện cơ quan Công an TP Thuận An đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.
Chân dung đối tượng đánh đập bé trai |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Pháp luật nghiêm cấm hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em dù bất cứ lý do gì. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản pháp luật khác có liên quan đều quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của trẻ em.
Qua hình ảnh clip cho thấy đây là hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự bởi vậy cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật. Khi xác định được đối tượng đã đánh đập cháu bé, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp để làm rõ mối quan hệ giữa người đàn ông này với cháu bé, làm rõ nguyên nhân, hành vi và hậu quả xảy ra làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cháu bé có thương tích thì dù thương tích dưới 11%, đối tượng này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng này để tiến hành hoạt động điều tra theo quy định pháp luật”.
Cũng theo luật sư Cường, nếu người đàn ông trong clip có mối quan hệ huyết thống đối với đứa trẻ, có thể là cha đẻ hoặc cha dượng của đứa trẻ thì người này cũng vẫn bị xử lý hình sự. Trong trường hợp chưa gây ra thương tích nhưng hành vi đối xử tàn ác như vậy thì đối tượng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ con theo Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt đến 5 năm tù.
Ai xem clip cũng phẫn nộ trước hành vi bạo hành tàn nhẫn đối với một đứa trẻ mới 5 tuổi |
Có thể nói rằng, khi xem clip này thì rất nhiều người đã phải rùng mình, phẫn nộ về hành vi côn đồ, tàn nhẫn, mất tính người, ra tay tàn nhẫn với một đứa trẻ còn quá nhỏ. Đặc biệt dù có người phụ nữ vào can ngăn, bảo vệ đứa trẻ nhưng người đàn ông này vẫn tiếp tục xông vào đánh đập, hành hạ nạn nhân. Hành vi mất tính người đó hoàn toàn có thể gây ra thương tích cho cháu bé. Bởi vậy ngoài việc xác định danh tính bắt giữ đối tượng thì cơ quan điều tra sẽ cho nạn nhân đi thăm khám điều trị, giám định thương tích để xác định hậu quả mà đối tượng đã gây ra đối với cháu bé.
Đứa trẻ có lẽ mới chỉ ba, bốn tuổi, chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân và còn quá non nớt để có thể phải chịu những trận đòn mà đến người lớn cũng không thể chịu nổi như vậy. Hành vi của đối tượng này xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí có thể xâm phạm đến tính mạng của trẻ em và là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bởi vậy, bất kể mối quan hệ của đối tượng này đối với nạn nhân là quan hệ như thế nào, bất kể việc nạn nhân có bị thương tích hay không, mức độ thương tích đến đâu thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng này theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp nạn nhân có thương tích thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134, Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Có tính chất côn đồ; Phạm tội với người dưới 16 tuổi; Phạm tội với người mà người phạm tội có nghĩa vụ phải chăm sóc, nuôi dưỡng... Tùy vào mức độ thương tích mà hình phạt sẽ theo các khung khoản mà điều luật đã quy định. Nếu đối tượng không có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ, không phải là mối quan hệ hôn nhân gia đình và không có thương tích thì đối tượng cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Việc xác định đối tượng này phạm tội theo điều luật nào, về tội gì sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa đối tượng này đối với nạn nhân và phụ thuộc vào việc nạn nhân có thương tích hay không. Dù bị xử lý về hành vi gì, tội danh nào thì hành vi của đối tượng là rất tàn nhẫn và rất đáng lên án. Các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em cũng cần phải lên tiếng về vụ việc này đồng thời có những biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời đối với cháu bé để tránh những nguy cơ tiếp theo có thể xảy ra”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình 1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo. |