Dọn dẹp khu vực bếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sau mưa lũ
Sau mưa lũ phòng chống các bệnh lây truyền qua thực phẩm từ môi trường
Sau khi bão số 3 đi qua, Hà Nội và nhiều địa phương khác rơi vào tình trạng ngập lụt bởi mưa lũ làm thiệt hại nhiều hecta hoa màu, gia súc, gia cầm, nhiều ngôi nhà bị ngập nước... gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Mưa bão gây ngập lụt nhiều nơi, môi trường bị ô nhiễm, thực phẩm tươi sống khan hiếm là nguyên nhân khiến người dân phải đối mặt với tình hình dịch bệnh, đặc biệt vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) sau mưa lũ.
Sau khi nước rút, người dân thực hiện tổng vệ sinh, lau rửa xô chậu đựng nước, rửa dụng cụ nấu ăn, nồi soong, bát đĩa... |
Do đó, ngay khi nước rút dần, người dân và chính quyền địa phương đã bắt tay vào công tác vệ sinh môi truờng theo nguyên tắc "nước rút đến đây vệ sinh đến đó" vì nếu không làm kịp thời, sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.
Các biện pháp thực hiện gồm: Đẩy sạch bùn đất ra khỏi nhà cửa; khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế.
Theo thông tin của Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai, do ảnh hưởng của mưa bão trên địa bàn huyện Quốc Oai một số xã sảy ra tình trạng ngập lụt. Tính đến ngày 11/9 trên địa bàn huyện Quốc Oai có 9 xã với hơn 800 hộ dân bị ngập úng.
Trung tâm Y tế Quốc Oai khuyến cáo, trong, sau mưa lũ và ngập lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa lũ và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển, gây bệnh cho con người.
Do đó, cùng với việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của mưa bão, TTYT cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây nhiễm qua đường thực phẩm như: Bệnh tả, thương hàn, lỵ trực trùng, bệnh tiêu chảy do virus (rotavirus, enterovirus...).
Sau khi nước rút, người dân cần vệ sinh toàn bộ nhà cửa, khu vực bếp cũng như vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và các chất tẩy rửa; bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa những thực phẩm sống và giữa thực phẩm sống với thực phẩm chín; đun, nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, trứng và hải sản; sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm...
Người dân thực hiện tổng vệ sinh khu vực xung quanh nhà, đường làng ngõ xóm, cào quét bùn đất và phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi, lau rửa sạch sàn nhà, quét dọn lau chùi nhà cửa, thay rửa bể nước, chum vại đựng nước, rửa dụng cụ nấu ăn, nồi soong, bát đĩa rồi phơi khô; khơi thông cống rãnh, san lấp các vùng nước đọng.
Bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn sau mưa lũ
Trong công văn gửi các địa phương về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân vùng lũ tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Cục ATTP khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm ăn ngay như: lương khô, mì gói, nước uống đóng chai...
Xử lý nguồn nước giếng bị ô nhiễm sau mưa lũ |
Ngoài ra, các đơn vị chức năng tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng. Khi người dân phát hiện các trường hợp rối loạn tiêu hoá, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải kịp thời xử lý.
Cục ATTP cũng đề nghị Sở Y tế, Ban Quản lý ATTP, Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, TP khu vực miền Bắc tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn.
Người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như: giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng theo hướng dẫn của ngành y tế.
Theo hướng dẫn xử lý nước mùa mưa lũ của Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), ở những vùng ngập lụt sau bão, để đảm bảo có nguồn nước sinh hoạt sạch, phòng chống dịch bệnh, người dân cần thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn
Nguồn nước sinh hoạt trong bể, bồn chứa rất dễ bị nước lũ ngập vào. Do đó, người dân cần xả toàn bộ lượng nước bên trong, sau đó tiến hành khử trùng bằng cloramin B.
Theo liều lượng khuyến cáo, dùng 1 viên cloramin B 0,25g hòa trong một cốc nước, đổ trực tiếp cốc này vào nguồn chứa nước gia đình (25l); sau 30 phút là có thể sử dụng trở lại. Tuy nhiên dù có khử khuẩn, mọi người cũng nên đun sôi nước trước khi sử dụng.
Một cách khác là sử dụng phèn chua nếu cần nước sinh hoạt gấp; cho một ít phèn chua vào cốc nước rồi đổ trực tiếp vào nguồn chứa nước khoảng 20-25l và khuấy đều; sau 30 phút cặn sẽ lắng xuống đáy là có thể sử dụng được.