Đồng hành cùng thanh niên dân tộc phát triển kinh tế, xã hội
Phát huy vai trò lực lượng xung kích đi đầu
Từ xưa đến nay, thanh niên dân tộc luôn được đánh giá là một trong những lực lượng xung kích đi đầu trong công tác xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi. Những năm qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp làm giàu của các thanh niên vùng dân tộc và miền núi đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Hòa Bình, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình thuộc thế hệ 8X, 9X… hiện là giám đốc quản lý những mô hình hợp tác xã thanh niên khởi nghiệp có thu nhập tiền tỷ. Những điểm sáng này đang góp phần lan tỏa, khơi dậy phong trào thanh niên nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi lập thân, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương.
Hiện có nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên vùng dân tộc đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân |
Anh Đinh Thế Ngữ Tôn, dân tộc Mường, ở xóm Đồng Chũi, Phó Bí thư Đoàn xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) là cái tên không còn xa lạ đối với người dân nơi đây. Đinh Thế Ngữ Tôn được biết đến, là gương mặt xuất sắc đại diện cho tinh thần khát vọng khởi nghiệp của tuổi trẻ huyện Lương Sơn, khi giành giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình lần thứ II” năm 2019, với Dự án “Du lịch trải nghiệm Happy Farm” do anh Tôn làm trưởng nhóm.
Không dừng lại ở ý tưởng, anh Tôn cùng nhóm bạn đã quyết tâm hiện thực hóa từng nội dung dự án. Dự án Happy Farm được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là xây dựng “Làng nông nghiệp công nghệ cao” xây dựng 1.500 m2 nhà kính, lắp đặt 150 trụ thủy canh, 100 trụ khí canh, sản xuất các loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giai đoạn 2 là “Làng khoa học kỹ thuật công nghệ 4.0”, khách hàng của Happy Farm sẽ được thuê 1 phần diện tích đất để tự sản xuất hoặc thuê người chăm sóc, được tư vấn sử dụng phần mềm trồng rau ảo thu hoạch thật.
Để hiện thực hóa dự án cần đến số vốn lên đến 3 tỷ đồng. Dù rất khó khăn, nhưng quyết tâm thực hiện dự án, nhóm của anh Tôn đã tìm cách huy động bằng các nguồn vốn vay từ gia đình, ngân hàng chính sách, thanh niên lập nghiệp.
Thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2018 đến nay, dự án của anh Tôn đang có những bước khởi động chắc chắn theo đúng lộ trình đã hoạch định. Theo chia sẻ của anh, sau 3 năm thực hiện, “Làng nông nghiệp công nghệ cao”, đã cơ bản hoàn thành với tổng diện tích hơn 10ha, trong đó có hơn 1.500m2 nhà màng công nghệ cao.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên vùng dân tộc đem lại hiệu quả kinh tế |
“Đây là mô hình trồng rau công nghệ cao lớn nhất huyện Lương Sơn. Sản phẩm của Hợp tác xã đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, có thể truy xuất nguồn gốc và giá bán trên mạng internet. Doanh thu của hợp tác xã đạt 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động”, anh Tôn cho biết.
Có được sự thành công như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân, anh Ngữ Tôn còn nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương, tới địa phương, nhất là UBDT trong việc hoạch định chính sách hỗ trợ thanh niên là người dân tộc phát triển kinh tế.
Còn ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), anh Trần Đăng Hạnh lại quyết định phát triển kinh tế từ đặc sản gà của địa phương. Trước đây, khi xã chưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, thì Phong Dụ là địa phương có mạng lưới giao thông đi lại khó khăn nhất trong huyện nên việc giao thương hạn chế. Đối với chăn nuôi gà, người dân trong xã thường nuôi theo hướng tự phát, nghĩa là mạnh ai người đó làm nên có người làm ăn được, người thua lỗ.
Khi được bầu làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phong Dụ, anh Hạnh luôn mong muốn thu hút, tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn, phát huy tinh thần không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm. Anh đã tiên phong xây dựng mô hình kinh tế cá nhân, mong muốn mình sẽ trở thành điển hình để các thanh niên khác nhìn vào cùng học làm theo.
Mô hình nuôi gà thả đồi của Hợp tác xã chăn nuôi gà Tiên Yên (Quảng Ninh) |
Từ những khát vọng, mong muốn của anh Hạnh, năm 2018, anh được bầu làm Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi gà Tiên Yên, đảm nhận nhiệm vụ triển khai các dự án chăn nuôi gà Tiên Yên do UBND giao. Hợp tác xã do anh Hạnh làm Giám đốc từng bước phát triển, có tổng đàn trên 80 nghìn con/năm, quản lý sản xuất trên 50 trang trại, gia trại và nhiều hộ chăn nuôi qui mô nhỏ 200 con/năm.
Bên cạnh những hiệu quả kinh tế hợp tác xã đạt được, cá nhân anh Hạnh đang sở hữu mô hình chăn nuôi với quy mô 4 chuồng nuôi, mỗi chuồng nuôi rộng 120m2, mỗi năm xuất bán ra thị trường 4.000 gà thương phẩm. Doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 2 lao động thời vụ là thanh niên trên địa bàn.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều mô hình phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao do thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm chủ. Các mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế của thanh niên dân tộc đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi phương thức sản suất, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đặc biệt, nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên dân tộc đã khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, xây dựng, phát triển thành những hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tiêu biểu được triển khai nhân rộng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.
Tiếp tục đồng hành cùng thanh niên dân tộc lập thân, lập nghiệp
Nhận thức được vai trò đồng hành cùng thanh niên dân tộc thiểu số, những năm qua, các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể đã chung tay triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm; Hoạt động hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh tham quan mô hình sản xuất của người dân tại Thái Nguyên |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết: Khởi nghiệp đang là hướng tiếp cận mới để giảm nghèo và phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với tư duy đổi mới, nghị lực của tuổi trẻ, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã nỗ lực vượt khó, mạnh dạn khởi nghiệp trên quê hương. Hiện nay, nhiều người thành công đã và đang truyền cảm hứng mạnh mẽ đến thế hệ các thanh niên vùng cao.
Để khuyến khích hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp cho thanh niên là người dân tộc thiểu số nói riêng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, UBDT đã đề xuất các địa phương cần nâng cao nhận thức của thanh niên về sự cần thiết của khởi nghiệp đối với chính bản thân và cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua các chương trình hoạt động đoàn thanh niên tại địa phương.
Thông qua đó, các địa phương phải đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về kinh nghiệm một số mô hình điểm của thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn; Thiết lập các nhóm, các câu lạc bộ khởi nghiệp các cấp, từ cấp xã/phường nhằm hỗ trợ thanh niên kiến thức về khởi nghiệp cho từng lĩnh vực cụ thể.
Ngoài ra, cần phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn nhằm hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số và miền núi có ý tưởng khởi nghiệp và các mô hình khởi nghiệp về kiến thức quản lý, về kỹ thuật sản xuất kinh doanh, tư vấn hỗ trợ quảng bán giới thiệu sản phẩm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh tham quan mô hình sản xuất của người dân tại Thái Nguyên |
Đặc biệt, Đoàn Thanh niên, vai trò của Ban Dân tộc của các tỉnh, thành phố cần được nâng cao vai trò trong việc khuyến khích, động viên thanh niên dân tộc thiểu số lập thân, lập nghiệp tại các địa phương; Hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ xây dựng một số mô hình khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số và miền núi thí điểm tại các huyện, thành phố theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Hiện nay, còn có rất nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã và đang ấp ủ những khát vọng, hoài bão, mong muốn được giúp đỡ, hỗ trợ để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hành trình khởi nghiệp của những thanh niên vùng cao còn gặp rất nhiều khó khăn như: Vốn, kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, chưa có sự liên kết… nên chưa có mô hình nào có quy mô lớn, hầu hết chỉ là nhỏ lẻ.
Thời gian tới, UBDT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, có những định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số để họ mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, vay ưu đãi để phát triển kinh tế phù hợp, tiến hành nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả. Đồng thời tích cực vận động thanh niên tại các thôn, bản khó khăn tham gia phát triển kinh tế, chủ động cải thiện cuộc sống.