Đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân trẻ cống hiến
Lực lượng chủ công của nền kinh tế
Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Nếu chỉ tính các hộ kinh doanh có mã số thuế, đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã có gần 4 triệu doanh nhân, còn nếu xét cả các hộ kinh doanh không có mã số thuế, chúng ta đã có hơn 7 triệu doanh nhân.
Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong sản xuất kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: sản xuất ôtô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...
Việt Nam có 6 doanh nhân lọt vào danh sách “tỷ phú USD” toàn cầu năm 2021. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới...
Đảng, Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp cống hiến (Ảnh minh họa) |
Năm 2021, mặc dù cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn lớn bởi đại dịch COVID-19, song theo Tổng cục Thống kê, bình quân một tháng cả nước có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Một bộ phận đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã linh hoạt, chủ động, nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới, tìm kiếm những hướng đi mới từ những cơ hội do quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, lực lượng doanh nhân đã tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.
Tạo mọi điều kiện hỗ trợ lực lượng doanh nhân phát triển
Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng; Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.
Để đạt được những mục tiêu đề ra đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã được Đại hội XIII đưa ra với tinh thần chung là lấy doanh nghiệp là trung tâm, giải pháp tổng thể là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp.
Thực tế hằng năm, Chính phủ đều tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, kiến nghị, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hằng năm, Chính phủ đều ban hành một nghị quyết riêng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với các nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp.
Nhiều giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được triển khai. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 6,8 nghìn trong tổng số 9,9 nghìn dòng hàng kiểm tra chuyên ngành; Cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 3,9 nghìn trong tổng số 6,2 nghìn điều kiện kinh doanh; Cắt giảm 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; Hơn 1,5 nghìn mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã được xử lý;... Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng nhanh, từ thứ 90/189 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2016 lên thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019.
Thời gian qua, nhiều giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được triển khai |
Bên cạnh đó, Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được Bộ Chính trị ban hành ngày 9/12/2011. Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết đã thực sự trở thành “kim chỉ nam” cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2025 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, đội ngũ doanh nhân có vai trò, sứ mệnh rất quan trọng. Vì vậy, các doanh nhân trẻ cần tiếp tục nêu cao trách nhiệm xã hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết để chinh phục và cạnh tranh tốt trong môi trường toàn cầu, đưa doanh nghiệp Việt Nam đi xa hơn, hội nhập sâu hơn và mang lại thành công lớn to hơn.
Không còn là “đội thuyền thúng” ra khơi, giờ đây cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã lớn mạnh về số lượng, hiện đại về chất lượng. Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới là một tất yếu khách quan; Đòi hỏi, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy vai trò của các chủ thể, trong đó năng lực và tinh thần phát triển của mỗi doanh nhân là yếu tố quyết định đến kết quả cuối cùng, vì một Việt Nam phát triển và cường thịnh.