Đồng loạt khởi công dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô tại 6 điểm
Ngày 16/6/2022, với tinh thần đồng thuận cao, 474/475 đại biểu Quốc hội khóa XV đã bấm nút thông qua Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia, phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện.
Sau 1 năm, cả ba tỉnh, thành phố đã vượt tiến độ giải phóng mặt bằng và đủ điều kiện để khởi công dự án.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Đinh Tiến Dũng dự lễ khởi công |
Dự án đường Vành đai 4 có quy mô 112,8km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Quốc hội giao việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Quốc hội cũng cho phép một số cơ chế đặc thù về nguồn vốn đầu tư, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu và khai thác vật liệu cho dự án...
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được khởi công sáng nay cùng lúc với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài gần 27,5km. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là gần 5.900 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đến năm 2027.
Đây là hai dự án công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khởi công cùng giờ, cùng ngày và cùng hướng đến mục tiêu đưa vào vận hành vào năm 2027.
Các đại biểu tham dự lễ khởi công tại điểm cầu chính vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường gom Đại lộ Thăng Long (tại lý trình Km28+900 đường Vành đai 4, tương ứng với Km12+600 đường gom Đại lộ Thăng Long) thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức |
Dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Dự lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu ở điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Chủ trì lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại Thủ đô Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 4 tại thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
Các đại biểu tham dự lễ khởi công dự án tại điểm cầu xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội |
Các đại biểu tại vị trí khởi công số 4 là vị trí giao đường Vành đai 4 với Quốc lộ 1A cũ (tại Km52+600 đường Vành đai 4, tương ứng với Km190+270 đường Quốc lộ 1A) thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín |
Các đại biểu tại vị trí khởi công số 2 tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2 (lý trình Km1+445) thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn |
Tham dự lễ khởi công hai dự án quan trọng này còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Lãnh đạo thành phố Hà Nội; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp và đại diện Nhân dân các địa phương...
Ba bài học kinh nghiệm triển khai Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà NộiMột là, phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân; Với tinh thần lấy kết quả thực hiện Dự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; Đồng thời nhận thức và xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của thành phố; Huy động sự vào cuộc một cách thực chất, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ thành phố đến cơ sở; Qua đó tạo hiệu ứng, lan tỏa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đến từng cán bộ, đảng viên và người dân. Hai là, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện. Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Các quận, huyện đã tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo từng ngày, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính của dự án (thành phố đã chỉ đạo thực hiện đường tiếp nhận văn bản riêng về Dự án đường Vành đai 4 và đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục từ 24 - 48 tiếng tại mỗi cơ quan, đơn vị). Ba là, tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, thành phố Hà Nội xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án, thành phố đã đề xuất thực hiện tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; Từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu chính thức thực hiện nghi thức khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại điểm cầu huyện Hoài Đức |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công dự án tại huyện Thanh Oai |
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết cùng đoàn đại biểu của TP thực hiện nghi lễ khởi công dự án tại huyện Thường Tín |
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đại diện các bộ ngành Trung ương, sở ban ngành của Hà Nội, liên danh nhà thầu... thực hiện nghi lễ khởi công tại điểm xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn |
Các địa điểm khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sáng 25/6Vị trí khởi công số 1 là điểm cầu chính tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường gom Đại lộ Thăng Long (tại lý trình Km28+900 đường Vành đai 4, tương ứng với Km12+600 đường gom Đại lộ Thăng Long) thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Vị trí khởi công số 2 tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2 (lý trình Km1+445) thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Vị trí khởi công số 3 tại vị trí giao trục phía Nam (tại Km45+700) thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Vị trí khởi công số 4 là vị trí giao đường Vành đai 4 với Quốc lộ 1A cũ (tại Km52+600 đường Vành đai 4, tương ứng với Km190+270 đường Quốc lộ 1A) thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Tỉnh Bắc Ninh tổ chức khởi công tại lý trình Km35+200 thuộc đoạn tuyến nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh. Tỉnh Hưng Yên lựa chọn huyện Văn Giang làm điểm khởi công cho dự án vành đại 4 đi qua tỉnh. |