Đồng Nai: Đổi mới mô hình tăng trưởng phát triển kinh tế
Báo chí góp phần vào sự phát triển của Đồng Nai Đưa 200 người lao động ở Đồng Nai về quê đón Tết |
- PV: Thưa ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, ông có thể đánh giá về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, những thành tựu, khó khăn đối với tỉnh Đồng Nai trong năm 2023?
- Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch tỉnh Đồng Nai: Trong năm 2023, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine và chiến tranh dải Gaza bùng phát dẫn đến kinh tế toàn cầu suy giảm kéo theo kinh tế của cả nước cũng như Đồng Nai gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tại Đồng Nai, nhiều ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Đây là nỗ lực rất lớn trong điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như của các doanh nghiệp. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 của tỉnh tăng khoảng 5,45% so với cùng kỳ; Tình hình sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 cơ bản ổn định, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá so sánh 2010) năm 2023 đạt trên 49.000 tỷ đồng, tăng khoảng 4,14% so cùng kỳ.
Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai |
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới Đồng Nai đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí xã Nông thôn mới, xã Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 theo bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022.
Đến nay, các địa phương đang tập trung nỗ lực khẩn trương hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỉnh sẽ hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra. Lũy kế đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh có 96/120 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 21/120 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và 30 khu dân cư kiểu mẫu.
Năm 2023, tỉnh Đồng Nai cũng đã hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ thi công. Với trách nhiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được Chính phủ giao, sau khi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, 4 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Ban chỉ đạo và lãnh đạo các Sở, ngành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Thành là các thành viên. Ban Chỉ đạo đã kịp thời chỉ đạo, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay quốc tế Long Thành, ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai để phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị để triển khai thực hiện công tác thu hồi đất.
Phối cảnh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Với diện tích thu hồi đất 5.000ha, ảnh hưởng đến 5.478 hộ, trong đó số hộ dân cần bố trí tái định cư là 4.507 hộ, khối lượng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là rất lớn. UBND tỉnh đã huy động nguồn lực, cán bộ của các Sở, ngành liên quan hỗ trợ UBND huyện Long Thành trong quá trình triển khai thực hiện, với 113 cán bộ công chức, viên chức được điều động, biệt phái để hỗ trợ cho địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Tuy các lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng còn thấp, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc thiếu hụt đơn hàng, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường chậm, xuất khẩu giảm. Thu hút đầu tư trong, ngoài nước của tỉnh cũng bị chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do hiện nay diện tích đất công nghiệp của tỉnh để cho thuê còn rất ít và thường nằm rải rác, không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư lớn.
- PV: Thưa ông, được biết tỉnh Đồng Nai đang rất cố gắng giải ngân, thúc đẩy đầu tư công như tuyến đường vành đai, cao tốc, đặc biệt công tác xây dựng tái định cư cho người dân. Việc này, UBND tỉnh đã có hướng chỉ đạo, tháo gỡ như thế nào đối với các địa phương?
- Ông Võ Tấn Đức: Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công chưa cao do một số văn bản quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, đền bù, tái định cư, định giá đất… chưa thực sự đồng bộ, thống nhất và còn chồng chéo gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng với đó việc chậm giải ngân trước hết là bởi có quá nhiều thủ tục, phải trải qua quy trình 5 bước, kèm theo nhiều công đoạn, điều kiện.
Phối cảnh dự án đường kết nối vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành |
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn, trong đó tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.
Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên vùng như dự án đường Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đồng thời, chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công trình, trọng điểm của tỉnh.
Hệ thống giám sát giao thông thông minh tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai |
Tỉnh cũng đưa ra các giải pháp quyết liệt, thậm chí áp dụng Quy định 69 để đánh giá, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, từng công đoạn dẫn đến tắc nghẽn việc giải ngân để có thể thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Các địa phương cũng được tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân thuộc diện thu hồi đất ở các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án trọng điểm của tỉnh. Đây là vấn đề rất quan trọng để có thể triển khai các dự án.
- PV: Thưa ông, trước những thách thức, khó khăn trong năm 2023, HĐND - UBND tỉnh đã có kế sách, định hướng gì để khắc phục và phát triển tỉnh Đồng Nai trong năm 2024?
- Ông Võ Tấn Đức: Để khắc phục những khó khăn thách thức, năm 2024, tỉnh Đồng Nai tập trung cho các giải pháp đột phá để tạo sự chuyển biến tích cực nhằm thay đổi kết quả mạnh mẽ các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của tỉnh đề ra; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh trong phát triển kinh tế; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội như: Giao thông gắn kết với vận tải đa phương thức, dịch vụ logistis; nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo thay cho năng lượng truyền thống.
Tỉnh Đồng Nai cũng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên bố trí vốn cho các công trình giao thông kết nối, các dự án có tính lan tỏa cao. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy khai thác hiệu quả chỉ tiêu đất công nghiệp được duyệt; rà soát các vị trí không khả thi trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng để đưa ra khỏi quy hoạch; tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tăng tính sẵn sàng trong thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đón dòng đầu tư mới từ sự dịch chuyển của các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
UBND tỉnh Đồng Nai triển khai xây dựng hoàn thành giai đoạn đầu nền tảng số - ứng dụng “Đồng Nai chuyển đổi số” |
Đồng Nai cũng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; phát triển, hoàn thiện hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử của tỉnh kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo chỉ tiêu, lộ trình đề ra.
Tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn.
- Trân trọng cảm ơn ông!