Du lịch đường thủy sẽ trở thành sản phẩm đặc trưng tại TP Hồ Chí Minh
Hơn 1.000 tác phẩm dự giải báo chí vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch Xúc tiến du lịch với chủ đề “Thưởng thức thơ và tranh” |
UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023 - 2025.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy; Khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.
Số lượng khách du lịch đường thủy đến TP Hồ Chí Minh năm 2023 và 2024 đạt khoảng 500.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo; Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo; Doanh thu du lịch từ tàu biển 2 năm đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.
Thành phố cũng đặt mục tiêu đón khoảng 100.000 lượt khách quốc tế đến bằng tàu biển và tăng khoảng 12% - 15% trong những năm tiếp theo. Tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.
TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 sẽ sử dụng khoảng 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại để phục vụ du lịch |
UBND TP Hồ Chí Minh đặt ra nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2024 là cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có, gồm: Nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10km) như tuyến du lịch đi Bình Quới, tuyến nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Nhóm các sản phẩm tầm trung gồm tuyến du lịch đi Củ Chi, Cần Giờ.
Cùng với đó, thành phố đang tập trung xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy nhằm cung cấp thêm các dữ liệu về lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng về các hệ thống sông, kênh, rạch gắn với các tuyến du lịch đường thủy; Xây dựng bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS.
Đến giai đoạn 2024 - 2025, thành phố sẽ đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới. Ở nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (bán kính dưới 10km) sẽ hình thành tuyến đi Quận 7, bổ sung các bến thủy nội địa trên tuyến: Bến Cù lao Nguyễn Kiệu, bến trường Đại học Tôn Đức Thắng, bến khu dân cư Trung Sơn, bến Công viên Him Lam… sản phẩm du lịch tầm trung có các tuyến đi TP Thủ Đức.
Đối với các nhóm sản phẩm du lịch tầm trung (từ 10 - 60km) sẽ xây dựng các chương trình du lịch mới trên tuyến như: Xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các bến thủy nội địa; Đa dạng phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch; Chỉnh trang mỹ quan khu vực chung quanh các bến; Xây dựng mô hình thuyết minh tự động trên tuyến, các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm dừng chân…
Riêng các nhóm sản phẩm du lịch tầm xa (liên tỉnh) sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ cho các sản phẩm trên tuyến như: Nâng cấp các bến tàu hiện hữu (Chợ Cần Giuộc, Chợ Gạo…); Đầu tư nâng cấp đa dạng hoá các loại hình phương tiện đường thuỷ; Kết nối thuận tiện đến các điểm dừng trên tuyến (các vườn sinh thái, làng nghề, điểm tham quan giải trí…); Hệ thống thuyết minh tự động và các dịch vụ giải trí, hoạt động trải nghiệm…
Đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đường thuỷ mới |
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đầu tư các sản phẩm mới và các dịch vụ bổ trợ trong giai đoạn 2023 - 2025 như: Nghiên cứu bến Bạch Đằng trở thành bến trung tâm kết hợp xây dựng các phiên chợ, khu ẩm thực, mua sắm… xung quanh bến; Đầu tư xây dựng các điểm dừng chân ven sông gần các điểm du lịch phục vụ người dân; Vận động doanh nghiệp đầu tư thêm nhiều loại hình phương tiện thuỷ (du thuyền, tàu nhà hàng, tàu lưu trú…); Đầu tư dự án “Thuyền cà phê” và thức ăn nhanh di chuyển trên sông.
Đồng thời, thành phố phát triển du lịch Cần Giờ thành khu du lịch trọng điểm theo hướng mô hình du lịch xanh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; Xây dựng các hệ sinh thái thông minh, bản đồ số du lịch, chương trình nghệ thuật về đêm, nhạc nước…